Trong tập này của DsT Beauty Show, Dược sĩ Tiến chia sẻ về khoa học của tia nắng và cách phòng tránh tia UV hiệu quả.
Tóm tắt nội dung sơ bộ của bài video ngắn gọn như sau: ánh nắng mặt trời được cấu thành từ 3 tia cơ bản là ánh sáng nhìn thấy, tia UV và tia IR (hồng ngoại).
Trong đó, ánh sáng nhìn thấy là vệt nắng vàng hay sự chói chang mà ta cảm nhận được bằng thị giác. Sự oi bức, nóng nực là từ khả năng sinh nhiệt của tia hồng ngoại. Nên việc tránh nắng chói chang và trốn sự oi bức thực chất chỉ là tránh ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại chứ chưa phải là tránh tia UV (tia này cơ bản là không nhìn thấy và không cảm nhận được)
Hãy cùng xem clip để có nhiều hơn những thông tin bổ ích và cách phòng tránh tia UV để bảo vệ da hiệu quả nhé.
Càng ngày chúng ta càng được nghe nhắc nhiều đến công nghệ laser ứng dụng trong thẩm mỹ và làm đẹp, đặc biệt là trong việc trị liệu các thương tổn sắc tố lành tính như nám mảng, tàn nhang, đồi mồi, nám chân đinh, nốt ruồi, bớt bẩm sinh, v.v… Và sự tiến bộ ngày càng vượt bậc của khoa học và công nghệ đã cho ra đời những thiết bị laser ngày càng hiện đại và tối ưu hơn, khắc phục được những nhược điểm của các loại thiết bị hay công nghệ cũ, giúp việc trị liệu trở nên an toàn hơn, cũng như hiệu quả đạt được cao hơn trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Trong khuôn khổ của bài viết này, Dược sĩ Tiến sẽ chia sẻ về một số dạng thương tổn sắc tố cơ bản cùng với kỳ vọng về hiệu quả có thể đạt được khi trị liệu bằng laser, cũng như một số ưu điểm và hạn chế cơ bản của phương pháp này trong trị liệu các vấn đề trên.
Công nghệ laser thường được ứng dụng trong trị liệu các dạng rối loạn tăng sắc tố là laser Q-switched Nd:YAG có độ rộng xung ngắn hàng nano giây, sẽ nhanh chóng đốt nóng đột ngột và phá vỡ mục tiêu trong thời gian rất ngắn đó. Hai cơ chế chính phá hủy sắc tố của công nghệ này là cơ chế quang nhiệt chọn lọc và cơ chế quang âm. Các kỳ vọng về hiệu quả đối với các dạng rối loạn tăng sắc tố được thảo luận trong bài viết này là dựa trên công nghệ laser Q-switched Nd:YAG nói trên.
*Những hình ảnh kết quả lâm sàng trong bài viết này được thực hiện bởi thiết bị laser ZACY Q2 (Hàn Quốc), là thiết bị laser Q-switched Nd:YAG được thiết kế riêng cho làn da người Việt Nam (da loại IV và V theo hệ thống phân loại Fitzpatrick)
Tàn nhang
Là một dạng thương tổn sắc tố thường nông trên bề mặt của lớp biểu bì, biểu hiện là những hạt lấm tấm màu nâu cà phê sữa như đầu tăm nhang, có thể xuất hiện dày đặc hay thưa thớt ở bất kỳ vùng da nào của khuôn mặt (trán, mũi, má, gò má, v.v…). Tàn nhang thường có xu hướng đậm hơn vào mùa hè, và nhạt bớt vào mùa đông, cũng như dễ nổi thêm nhiều nốt mới nếu không bảo vệ da chống tia UV đúng mức.
Với phương pháp laser, tàn nhang có thể cải thiện từ 70 – 90% chỉ sau từ 1 – 3 lần trị liệu. Mặc dù có thể cải thiện rất nhanh chóng và rõ rệt, nhưng những cơ địa bị tàn nhang sẽ dễ nổi thêm những nốt tàn nhang mới hoặc tái lại một phần của những nốt cũ (sau 06 tháng đến 01 năm) nếu không có chế độ chống nắng và bảo vệ da tốt. Tàn nhang sẽ tái lại càng ít và càng lâu tái lại khi chúng ta chống nắng bảo vệ da đúng mức và hiệu quả.
Đốm nâu (nám chân, nám đinh)
Đây là tình trạng rất dễ bị nhầm lẫn thành tàn nhang. Thuật ngữ chuyên môn của tình trạng này là bớt Hori, hay abnom, biểu hiện là những nốt tròn như đầu đũa (có thể to hoặc nhỏ) thường nằm tập trung ở 2 bên gò má và gần mắt, có màu nâu đen hay nâu gỗ.
Nếu như tàn nhang chỉ cần từ 1 – 3 lần trị liệu thì nám chân đinh cần thời gian trị liệu tương đối dài hơn, khoảng từ 8 – 12 buổi (có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề) và có thể đạt được hiệu quả tầm 60 – 80 % khi chữa trị đúng cách bằng laser. Mặc dù thời gian chữa trị tương đối dài hơn so với tàn nhang, nhưng nám chân đinh lại ít có nguy cơ tái lại hơn một khi đã chữa trị thành công.
Đồi mồi
Là dạng rối loạn tăng sắc tố thường xuất hiện ở những người lớn tuổi hoặc những làn da bị lão hóa sớm hay lão hóa do tia UV, thường có hình tròn hay bầu dục, có thể nằm rời rạc hay thành từng đám với kích thước mỗi nốt có thể dao động từ 0.2 đến 2.5cm, có thể có màu nâu nhạt hay nâu cà phê sữa tới nâu đen sẫm.
Các đồi mồi phẳng thường dễ xử lý bằng công nghệ laser, với hiệu quả từ 70 – 90% (hoặc thậm chí cao hơn) sau khoảng 1 – 3 lần trị liệu. Tuy nhiên, việc xuất hiện đồi mồi trên da là biểu thị cho một chế độ chống nắng kém và sự lão hóa đã bắt đầu xuất hiện tương đối nhanh chóng nên làn da cần phải được chú ý và chăm sóc đúng mức để không tiếp tục lão hóa nghiêm trọng hơn.
Nám mảng
Nám mảng là rối loạn tăng sắc tố dạng mảng, thường nằm ở trên má, trán, mũi, hay xung quanh vùng miệng và thường có màu nâu cà phê sữa. Nám mảng có thể là nám nông ở thượng bì (biểu bì) hay nám sâu ở trung bì hoặc nám hỗn hợp gồm cả 2 dạng trên.
Đối với một làn da bình thường bị nám mảng (nghĩa là không đi kèm với các vấn đề suy yếu, mỏng đỏ, kích ứng) thì kỳ vọng về hiệu quả đối với phương pháp laser có thể đạt được 60 – 80% sau 6 – 8 tuần. Nếu da có dấu hiệu mỏng đỏ, suy yếu, teo da, giãn mạch, v.v… thì cần tốn thời gian khôi phục sức khỏe làn da trước khi trị liệu laser (thời gian và phương pháp hồi phục phụ thuộc vào mức độ thương tổn của làn da) và năng lượng laser áp dụng trong trị liệu cần thấp hơn bình thường để tránh làm tổn thương da nên tổng thời gian để đạt hiệu quả mong muốn đối với nám mảng trên làn da suy yếu thường sẽ dài hơn.
Với nám mảng có những đốm trắng mất sắc tố bên trong (nguyên nhân có thể do tiền sử dử dụng các loại kem hay hóa chất lột tẩy, kem chứa corticoid, hoặc đã từng trải qua trị liệu laser không đúng cách), thời gian trị liệu cần thiết có thể sẽ dài hơn (tầm 8 – 16 tuần tùy mức độ nghiêm trọng) và hiệu quả đạt được thường khoảng 40 – 70%.
Các dạng nám khói, là cách gọi dân gian của tình trạng lắng đọng sắc tố màu xanh, xanh tím, hay đen thẫm ở trung bì thường trên cả vùng rộng của khuôn mặt và không có giới hạn rõ ràng giữa vùng da rối loạn sắc tố và da lành; thường do nguyên nhân nhiễm độc hóa chất (chì, thủy ngân, v.v… từ các loại kem bôi không rõ nguồn gốc hay từ môi trường sống và môi trường làm việc) hay do việc sử dụng các loại thuốc uống trị bệnh (thường là kháng sinh nhóm cyclin, thuốc điều trị tuyến giáp, tuyến thượng thận, hay các liệu pháp tri liệu hormone, v.v…). Nám khói thường đáp ứng kém với các phương pháp trị liệu và tốn nhiều thời gian hơn, có thể từ 15 đến 20 hay 25 tuần, sử dụng kết hợp laser và các liệu pháp khác như mesotherapy, nutraceuticals, detox cơ thể, v.v… Hiệu quả đạt được có thể dao động từ 30 – 70%.
Đối với các dạng nám mảng, sau khi trị liệu thành công và đạt hiệu quả mong muốn, cần lưu ý duy trì và giảm liều laser dần dần, tránh hiện tượng bỏ ngang trị liệu hoặc dừng đột ngột, cũng như chế độ chăm sóc da hợp lý bao gồm dưỡng ẩm đầy đủ, chống nắng hiệu quả để ngăn ngừa nám tái lại.
Bớt bẩm sinh
Các dạng bớt bẩm sinh có màu xanh đen như bớt Ota (bớt xanh hay xanh đen nửa bên mặt), bớt Ito (xanh hay xanh đen trên lưng, vai) hay bớt cafe (bớt dạng mảng nâu cafe sữa trên bất cứ vùng nào của cơ thể) thường đáp ứng tốt với laser Q-switched Nd:YAG. Tuy nhiên, nên lựa chọn chiếu laser nhẹ nhàng với nhiều lần chiếu (tầm 15 – 20 lần) để tránh tạo nên vùng da chênh lệch màu sắc với da lành sau khi vết bớt được xóa bỏ.
Các thiết bị laser là không giống nhau và quan trọng hơn cả là phác đồ trị liệu và tay nghề bác sỹ/kỹ thuật viên
Cần hiểu rằng các thiết bị laser khác nhau dù cùng là công nghệ Q-switched Nd:YAG nhưng sẽ hoàn toàn khác nhau về độ ổn định của năng lượng, năng lượng tối đa thực tế ở đầu ra (chứ không phải trên màn hình hiển thị), biểu đồ phân phối photon hoạt hóa (quyết định hiệu quả và tính chọn lọc của laser), độ bén (sharpness) của tia đầu ra, v.v… và quan trọng hơn cả là tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ/kỹ thuật viên cũng như phác đồ trị liệu toàn diện vì thực tế không có cơ địa hay cá thể nào giống nhau (mỗi người sẽ bị một vấn đề khác nhau, sống hay làm việc trong môi trường khác nhau, tiền sử trị liệu hay sử dụng mỹ phẩm khác nhau, v.v…) nên không thể áp dụng một mức năng lượng hay thông số giống hệt nhau cho tất cả bệnh nhân và đôi khi cần phối hợp nhiều phương pháp trị liệu cũng như linh hoạt điều chỉnh phác đồ cho từng bệnh nhân riêng biệt.
Dược sĩ Tiến
*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^
Làn da bao phủ toàn bộ mặt ngoài cơ thể chúng ta, là một cơ quan hết sức phức tạp và đặc biệt là rất bền bỉ. Cũng có thể nói, Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể chúng ta. Mọi mặt của đời sống con người đều được phản ánh đầy đủ lên biểu hiện của làn da, nghĩa là, một khi chúng ta có thể hiểu được ngôn ngữ của làn da thì chúng ta có thể biết được lối sống và tình trạng sức khỏe tổng quát của chủ nhân làn da đó. Về phương diện sinh học, cơ quan Da thực hiện rất nhiều chức năng, có thể bao gồm:
– Bảo vệ cơ quan nội tạng khỏi tổn hại từ ánh nắng mặt trời và giảm thiểu các tổn thương lý hóa khác. Làn da giúp điều hóa thân nhiệt, là hàng rào miễn dịch ngoại vi đầu tiên của cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, virus, ô nhiễm, các chất độc hóa học .v.v…
– Thải trừ các chất cặn bã trong cơ thể thông qua việc đổ mồ hôi, tiết bã nhờn, .v.v…
– Đổ mồ hôi để làm mát cơ thể, giúp giải tỏa bớt thân nhiệt trung tâm, đồng thời cũng mang chất độc hại, chất thải ra khỏi cơ thể.
– Hấp thu bức xạ từ mặt trời, giúp điều hòa hoạt động của các hormone trong cơ thể và nhịp điệu ngày đêm (thức – ngủ) của cơ thể.
– Sản xuất Vitamin D dạng hoạt động nhờ năng lượng của ánh sáng mặt trời tác động lên bề mặt da. Vitamin D là một chất cần thiết cho xương, răng, da và các quá trình đồng hóa khác.
– Sản xuất sắc tố melanin, tạo nên màu da. Sắc tố melanin giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn hại từ tia nắng mặt trời và tạo nên màu da đặc trưng của bạn. Lượng melanin dưới da được xác định bởi gen di truyền.
Khoảng ½ đến 2/3 tổng lượng máu trong cơ thể bạn luôn luôn tuần hoàn qua làn da. Máu đến và nuôi dưỡng làn da với các loại vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Giữa các lớp của làn da có một loại dịch lưu chuyển gọi là dịch bạch huyết. Dịch này mang các chất độc hại từ các cơ quan nội tạng đến da để bài tiết ra ngoài. Dịch bạch huyết trong và lưu chuyển ở ngay sát bề mặt của da. Bạn sẽ được học cách thức giúp cho dịch bạch huyết lưu chuyển tốt hơn để giữ cho làn da mềm và mượt ở những chương sau.
Bình thường, làn da của bạn sẽ tự thực hiện tất cả những chức năng nêu trên, và thực ra thì đó là công việc, là nhiệm vụ của nó. Nhưng, có một thực tế là, làn da làm việc càng nhiều, càng gặp nhiều khó khăn thì cũng sẽ nhanh chóng bị lão hóa, trở nên già cỗi, xấu xí và kém chức năng. Cũng giống như một chiếc máy hoạt động hết công suất sau một thời gian dài – mệt mỏi, yếu sức và ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hỗ trợ cho làn da của mình bằng việc chăm sóc đúng cách hàng ngày, loại bỏ bớt khó khăn trong công việc của làn da và cung cấp thêm dưỡng chất, hay năng lượng sống cho làn da vốn đã phải làm việc quá nhiều.
Xuyên suốt chương trình này, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc làn da đúng đắn, hệ thống và khoa học – có thể có những kiến thức bạn đã được biết như thoa kem chống nắng hay uống nhiều nước, nhưng cũng sẽ có những điều mà có lẽ bạn chưa từng được nghe đến. Nhưng cuối cùng thì, chăm sóc đúng cách và thường xuyên sẽ giúp cho bạn và khách hàng của bạn giữ được làn da trẻ trung, khỏe đẹp, hạn chế tối đa những vấn đề mà làn da có thể gặp phải.
Đăng ký nhận bản tin từ DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.