Có nên kết hợp NIACINAMIDE và BHA không???

Đây có lẽ là câu hỏi gây ra khá nhiều tranh cãi mỗi khi nhắc đến, và đặc biệt là chưa có câu trả lời nào có vẻ làm hài lòng hết tất cả những người mộ điệu, đam mê skincare và dành cả thanh xuân để skincare bằng khoa học. Cho nên hôm nay, Tiến dành thời gian để viết một bài tổng hợp về vấn đề này để mọi người cùng có thêm 1 cái nhìn khách quan hơn và có thể tham khảo để tự mình đưa ra quyết định xem là có nên kết hợp Niacinamide và BHA trong cùng 1 lộ trình skincare routine của mình hay không, và nếu kết hợp thì nên kết hợp như thế nào để hạn chế tối đa những rủi ro và tăng cường tối đa những lợi ích mà 2 hoạt chất này mang lại nhé.

 

Để mọi người dễ theo dõi và bài viết đỡ bị luôn tuồn, dài dòng, mênh mang, Tiến sẽ viết bài này theo kiểu Q&A (câu hỏi và câu trả lời), lần lượt giải đáp từng câu hỏi sau đây:

1 – Niacinamide và BHA có tương kỵ với nhau trong skincare không?

2 – Sản phẩm chứa Niacinamide và sản phẩm chứa BHA có tương kỵ nhau không?

3 – Liên kết amide của Niacinamide có kém bền hay không?

4 – Điều kiện nào để phản ứng thuỷ phân Niacinamide xảy ra?

5 – BHA có phải là acid tự trung hoà (self-neutralizing acid) hay không?

6 – vậy chốt lại, có nên kết hợp sản phẩm chứa Niacinamide và sản phẩm chứa BHA trong routine skincare hay không?

 

CÂU 1 – NIACINAMIDE VÀ BHA CÓ KỴ NHAU KHÔNG?

Chắc chắn là KHÔNG. Hai hoạt chất này không tương kỵ với nhau về mặt bào chế, không phản ứng với nhau tạo ra chất độc hại hay làm mất hoạt tính của nhau, cũng không đối nghịch nhau về cơ chế tác động, lại càng không hiệp đồng tác dụng phụ gây bất lợi cho làn da. Chính vì vậy mà thực tế là có rất nhiều hãng đang kết hợp đồng thời cả niacinamide và BHA trong cùng 1 sản phẩm của họ và mang lại rất nhiều lợi ích đáng kể cho làn da (các lợi ích hiệp đồng này sẽ thảo luận ở 1 bài viết khác). Thậm chí, có 1 số hãng sản xuất nguyên liệu công nghệ cao còn kết hợp niacinamide cùng BHA (cụ thể là acid salicylic) với polydextrose và amylopectin để tạo thành phức hợp Oligomer nhằm tăng độ tan của acid salicylic trong nước, giảm tính kích ứng của acid salicylic, giúp sản phẩm tránh đổi màu (ở 50 độ C) và chống hiện tượng vi kết tinh acid salicylic trong quá trình bảo quản (ở 4 độ C) khi soi bằng kính hiển vi X400.

(*Bài viết này không nhằm mục đích PR hay dìm hàng bất kì thương hiệu hay nhãn hàng nào, nên cho Tiến xin phép được giấu hết tất cả các thông tin về brand)

 

CÂU 2 – SẢN PHẨM CHỨA NIACINAMIDE VÀ SẢN PHẨM CHỨA BHA CÓ TƯƠNG KỴ NHAU KHÔNG?

Đây mới chính xác là câu hỏi chúng ta cần phải trả lời. Và để có câu trả lời đầy đủ nhất, Tiến phải tách câu này ra thành 2 câu hỏi nhỏ: “sản phẩm chứa Niacinamide ảnh hưởng đến sản phẩm chứa BHA như thế nào?”“sản phẩm chứ BHA ảnh hưởng đến sản phẩm chứa Niacinamide như thế nào?”

Giả sử chúng ta đang có quy trình chăm sóc da là thoa sản phẩm chứa BHA trước, rồi sau đó sẽ thoa sản phẩm chứa Niacinamide lên sau. Bây giờ Tiến sẽ phân tích và trả lời lần lượt từng câu hỏi nhỏ.

 

* Sản phẩm chứa Niacinamide ảnh hưởng đến sản phẩm chứa BHA như thế nào?

  • Nếu sản phẩm BHA chúng ta dùng là acid salicylic tự do được hoà tan trong nền cồn với pH thấp thì khi chúng ta bôi tiếp 1 lớp sản phẩm chứa Niacinamide (nếu là sản phẩm không chứa cồn và được bào chế ở pH = 4 – 6 tối ưu cho Niacinamide trong quá trình bảo quản để kéo dài shelf life của sản phẩm) thì sẽ có 2 vấn đề có thể xảy ra: (1) vi kết tinh salicylic acid trên da do độ tan của acid salicylic trong nước thấp. (2) làm thay đổi pH thấp được brand thiết kế chuyên biệt từ đầu cho sản phẩm BHA để BHA phát huy tác dụng tốt nhất.
  • Nếu sản phẩm chứa BHA mà chúng ta dùng là dạng BHA trong phức hợp Oligomer (đề cập bên trên) hoặc BHA đã được đồng hoá trong hệ chất mang CAP DMA (thoả mãn chuyên luận gel salicylic của Dược điển Mỹ) thì sản phẩm chứa Niacinamide bôi sau đó hầu như không ảnh hưởng đến sản phẩm BHA (ngoại trừ trường hợp sản phẩm Niacinamide đó có chứa thêm chất gì đó đặc biệt tương kị).

 

* Sản phẩm chứa BHA ảnh hưởng đến sản phẩm chứa Niacinamide như thế nào?

  • Về mặt bào chế: Nếu sản phẩm Niacinamide được tạo gel bằng tá dược carbopol (hay carbomer) thì có thể sẽ bị rã hệ gel khi bôi lên da đã có sử dụng sản phẩm BHA trước đó, vì 2 nguyên nhân sau:
    • (1) hệ gel carbopol là hệ gel được điều chế bằng cách ngâm bột carbopol trong nước, sau đó tạo sệt bằng cách dùng NaOH hoặc TEA để trung hoà về pH tầm 6-7. pH thấp của sản phẩm bôi trước đó (có thể là sản phẩm BHA hay serum vitamin C chẳng hạn) sẽ làm rã ngay hệ gel carbopol này. Điều này cũng thường thấy khi các bạn sử dụng các sản phẩm có tính acid, sau đó dùng các loại kem dưỡng ẩm dạng gel (water-based/gel cream) thì thấy kem cũng bị chảy lỏng và rã hệ chứ không giữ được độ nhớt/sệt như sản phẩm ban đầu.
    • (2) Acid salicylic là acid chuyên phá hệ gel, gây đau đầu cho các nhà bào chế (dễ gây rã hệ gel carbopol, dễ tái kết tinh trong hệ gel xanthan gum hay thậm chí gây tủa vón hệ hyaluronic acid/hydroxyethylcellulose,v.v…). Phải là 1 polymer đặc biệt mới tạo được hệ gel đủ bền để chịu ion, bền trong khoảng pH rộng và chứa nổi acid salicylic (*cái này hơi sâu về bào chế, nào viết bài về bào chế Tiến sẽ nói rõ hơn nhe).

 

  • Về mặt chuyển hoá:
    • Nếu sản phẩm BHA là dạng BHA phức hợp Oligomer và/hoặc sản phẩm BHA có pH thành phẩm từ 4 trở lên, hầu như không gây chuyển hoá hay tương tác gì bất lợi cho hoạt chất Niaciamide được bôi sau đó vì pH trong khoảng từ 4.5 – 6 là pH bào chế tối ưu cho Niacinamide, tốc độ thuỷ phân Niacinamide trong khoảng pH này là chậm nhất: bị thuỷ phân 50%, từ chuyên môn gọi là Thời gian bán huỷ (điều kiện thí nghiệm: đựng trong ampoule 5ml, ngâm trong bể điều nhiệt, khi dùng hệ đệm catechol:catecholate thì không khí trong ampoule được thay bằng khí nitơ) là 1000 ngày ở 89.4 độ C. (theo Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661).
    • Nếu sản phẩm BHA là dạng BHA tự do, được bào chế thành phẩm ở pH thấp (khoảng 2.5 ~ 3.0 chẳng hạn – Đợi khi hết dịch, Tiến sẽ lên phòng LAB lấy máy đo pH đo thử pH của 1 số sản phẩm BHA thông dụng trên thị trường và quay clip lại cho mọi người xem nhé ^^), sẽ có thể xảy ra khả năng 1 phần niacinamide trong sản phẩm sẽ bị thuỷ phân thành nicotinic acid, gây hiện tượng đỏ da, cảm giác nóng, châm chích, giãn mạch dưới da và có thể có sưng nề. Đây cũng là tác dụng chính của acid nicotinic khi được bào chế trong các sản phẩm dưỡng môi nhằm giúp làm môi hồng hào, căng mọng tức thời (thường trong các chế phẩm dưỡng môi sẽ là Methyl Nicotinate, Ethyl Nicotinate, hay Hexyl Nicotinate).

Bây giờ mình cùng phân tích các dữ liệu khoa học 1 tí nhé. Cũng trích ra từ trong Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661, Tiến có 2 bảng kết quả thí nghiệm sau đây:

 

Trong cùng điều kiện thí nghiệm, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (Fig.03) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (Fig.05). Điều này chứng tỏ, pH có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ thuỷ phân của Niacinamide và khoảng pH = 4.5 – 6.0 tối ưu trong bào chế các chế phẩm chứa Niacinamide là hoàn toàn cần thiết. Tới đây, chúng ta chỉ mới kết luận được về sự thuỷ phân của Niacinamide trong điều kiện phòng thí nghiệm, vậy liệu trên da mặt chúng ta, có cần đun tới 90 độ C để sự thuỷ phân này xảy ra hay không? Chút xíu nữa mình sẽ làm rõ thêm bên dưới nhen.

 

CÂU 3 – LIÊN KẾT AMIDE CỦA NIACINAMIDE CÓ KÉM BỀN KHÔNG?

Trước khi đưa tới kết luận của Tiến về độ bền của liên kết amide, Tiến dẫn 1 ví dụ này trước.

– Chúng ta đều biết và đều thường xuyên được nghe nói rằng trái cam rất giàu vitamin C. Do đây chỉ là 1 ví dụ, nên cho phép Tiến lấy nguồn tương đối đơn giản hơn, chính là báo Tuổi Trẻ.

Đúng vậy, chính xác là trái cam rất giàu vitamin C khi chúng ta nhìn nhận nó trên góc độ khoa học dinh dưỡng. Nhưng nếu tính kĩ, 40mg vitamin C trong 100gr cam thì chỉ tương đương với nồng độ 0,04% vitamin C mà thôi. Vậy thì, hàm lượng này là vô cùng vô cùng ít và nghèo nàn nếu nhìn nhận trên khía cạnh khoa học dược mỹ phẩm. Vậy thì thực ra, giàu hay nghèo, nhiều hay ít, là còn do chúng ta nhìn nhận nó từ góc độ của ngành khoa học nào. Đúng không?

Tiến nhớ 1 câu chuyện dí dỏm về nhà khoa học Albert Einstein khi được phóng viên nhờ ông nói ngắn gọn và đơn giản về thuyết tương đối, Ông cười và nói: “Vài cọng tóc trong ly nước thì là nhiều, còn vài cọng tóc trên đầu thì lại vô cùng ít. Thuyết tương đối là như vậy.” ^^

 

Quay trở lại vấn đề chính về độ bền của liên kết amide:

Với thông tin thí nghiệm rằng, ở pH = 2.03, cần khoảng 75 giờ đun nóng ở 89.4 độ C mới thuỷ phân được 50% lượng Niacinamide, nên rất nhiều nhà hoá học cho rằng liên kết amide là liên kết bền. ĐIỀU NÀY HOÀN TOÀN KHÔNG SAI, đặc biệt là trong lĩnh vực hoá học và khi chúng ta nhìn nhận Niacinamide là 1 hoá chất đơn thuần.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận dưới góc độ y khoa, dược học (vì chúng ta đang bàn về dược mỹ phẩm) và xem Niacinamide như 1 hoạt chất chính của sản phẩm thì chỉ cần hàm lượng hoạt chất rớt xuống dưới 95% hàm lượng được công bố trên nhãn thì sản phẩm gọi là không đạt tiêu chuẩn, hoặc hết date (ngta lão hoá cấp tốc rồi định lượng lại hoạt chất để tính ra hạn dùng của sản phẩm). Và nếu 1 dược phẩm mà không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng thì sẽ bị thu hồi trên toàn quốc và tiêu huỷ (theo thông tư số 09/2010/TT-BYT ngày 28/04/2010 của Bộ Y Tế hướng dẫn về việc quản lý chất lượng thuốc).

Và cũng chính vì vậy, trong các sách đào tạo ngành dược, cụ thể là các giáo trình hoá lý dược đều xem liên kết amide là một trong những liên kết kém bền, dễ bị thuỷ phân và cần được lưu tâm. Tiến xin dẫn chứng bằng 2 quyển giáo trình hoá lý dược (do là sách gốc chứ không phải bản PDF nên Tiến chụp lại hình ảnh bằng điện thoại để làm minh chứng nhé).

– Đầu tiên là quyển The Physicochemical Basis of Pharmaceuticals (by Oxford University Press), trang 51, mục 2.7 HYDROLYTIC DEGRADATION, có liệt kê amides là liên kết dễ bị thuỷ phân cùng với esters, epoxides và alkyl halides.

 

– Kế tiếp, là quyển Physicochemical Principles of Pharmacy (xuất bản bởi Pharmaceutical Press), trang 90, mục 3.1 The Chemical Decomposition of Drugs, có liệt kê liên kết amide trong nhóm các liên kết dễ bị thuỷ phân cùng với ester, lactone, lactam, imide.

 

Cho nên là, bạn nào nói liên kết amide rất bền cũng đúng – Đó là khi các bạn nhìn nhận trên góc độ hoá hữu cơ thông thường của 1 nhà hoá học và xem Niacinamide cũng chỉ là 1 loại hoá chất như bao loại hoá chất khác. Còn những người làm y khoa, họ có quyền xem đây là 1 liên kết kém bền vì nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm khi hàm lượng hoạt chất chỉ cần thay đổi 1 xíu xiu, và từ đó, họ cần phải có phương thức bào chế cũng như bảo quản phù hợp để đảm bảo hàm lượng hoạt chất luôn đạt chuẩn trong suốt quá trình shelf life cho tới tay người dùng.

 

CÂU 4 – ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ PHẢN ỨNG THUỶ PHÂN NIACINAMIDE XẢY RA?

Thí nghiệm đã cho kết quả rằng cần phải đun nóng ở 89.4 độ C trong vòng 75 giờ ở pH = 2.03 thì Niacinamide mới thuỷ phân 1 nửa. Vậy da mặt người có cần đun nóng đến ngần ấy độ C để phản ứng thuỷ phân diễn ra hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước nhất chúng ta cần quan tâm tới 1 chức năng đặc biệt của làn da (cái này Tiến cũng sẽ có đề cập trong quyển sách SINH LÝ DA CƠ BẢN mà Tiến sắp xuất bản, hy vọng mọi người sẽ đón đọc, hihi ^^): CHỨC NĂNG CHUYỂN HOÁ.

 

– Đầu tiên nhất, Tiến sẽ chứng minh là làn da có chức năng chuyển hoá trước đã, còn chuyển hoá như thế nào thì sẽ đề cập sau. Theo quyển Basic & Clinical Pharmacology (xuất bản bởi Mc Graw Hill), trang 54, mục WHERE DO DRUGS BIOTRANSFORMATION OCCUR?, có đề cập làn da (the skin) là 1 trong những cơ quan có chức năng chuyển hoá đáng kể bên cạnh lá gan (liver). Hình minh chứng ngay bên dưới.

 

– Vậy rốt cục, làn da thực hiện chức năng chuyển hoá đó bằng cách nào? Bằng hệ vi sinh và hệ men chuyển hoá (enzyme). Tiến sẽ chứng minh từng cái nhé.

  • CHUYỂN HOÁ NHỜ HỆ VI SINH TRÊN DA: Theo Tạp chí Da Liễu Thẩm Mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology), Volume 7, Issue 3, September 2008, trang 189 – 193, những vi sinh phổ biến trên da như Staphylococcus epidermis và Staphylococcus aureus có khả năng thuỷ phân arbutin trên da thành hydroquinone. Kết quả thí nghiệm được thể hiện trên sắc kí đồ của HPLC (sắc kí lỏng hiệu năng cao) như sau:

Chúng ta thấy được rằng chỉ sau 1h ủ arbutin với S. epidermis, lượng arbutin bị thuỷ phân thành hydroquinone gần như hoàn toàn (xem sắc kí đồ e).

 

Ngoài ra, theo Tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, các vi sinh vật có mặt trên bề mặt da có khả năng chuyển hoá các thuốc bôi ngoài.

Điều này chứng minh, làn da có chức năng chuyển hoá hoạt chất thoa lên da thông qua hệ vi sinh có lợi. Và đây cũng là cơ sở khoa học cho trend chăm sóc da bằng lợi khuẩn, hoặc tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn trên da, vì rõ ràng, hiệu quả của hoạt chất bôi lên da bị ảnh hưởng bởi nhóm vi sinh này.

 

  • CHUYẾN HOÁ NHỜ HỆ MEN SINH HỌC (enzyme) TRÊN DA

– Theo quyển BioChemistry (5th Edition) bởi các tác giả Jeremy M Berg, John L Tymockzko, và Lubert Stryer, các enzyme đẩy nhanh tốc độ phản ứng bằng cách giảm năng lượng kích hoạt.

Và giảm năng lượng cũng có nghĩa là giảm lượng nhiệt cần cung cấp để phản ứng xảy ra (đối với các phản ứng thu nhiệt). Cho nên, nếu có sự xúc tác của enzyme, thì da mặt không cần phải nóng đến 89.4 độ C mới xảy ra phản ứng thuỷ phân của Niacinamide. Và tất nhiên, cũng không cần phải thuỷ phân hoàn toàn, mà chỉ cần 1 lượng nhỏ nicotinic acid được sinh ra là cũng đã bắt đầu có thể gây tác dụng phụ trên da rồi, đặc biệt là nền da mỏng yếu, có tổn thương, sức bền thành mạch kém.

 

– Vậy chứng cứ đâu mà nói là trên da có chức năng chuyển hoá bằng enzyme?

Theo Tạp chí Sinh Lý và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Physiology 2019), số 32, trang 283 – 293, biểu bì và trung bì có hệ enzyme để sinh chuyển hoá các chất lạ tiếp xúc với làn da, và hoạt động sinh chuyển hoá của làn da bằng 1/3 hoạt động chuyển hoá của gan.

 

Hay theo Tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, trên da có các enzyme để sinh chuyển hoá các hoá chất từ bên ngoài.

 

 QUAY TRỞ LẠI VỚI TRƯỜNG HỢP THUỶ PHÂN NIACINAMIDE TRÊN DA

Nhắc lại 1 xíu về kết quả thí nghiệm tốc độ thuỷ phân của Niacinamide trong điều kiện đun nóng 89.4 độ C.

Trong cùng điều kiện thí nghiệm, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).

Như vậy, phải chăng khi sử dụng sản phẩm chứa niacinamide với 1 sản phẩm pH thấp trước đó (không nhất thiết là BHA) thì ta đang làm tăng nguy cơ thuỷ phân niacinamide lên hàng trăm lần với điều kiện chỉ cần gia nhiệt lên 89.4 độ C? Và như đã chứng minh bên trên, chỉ cần có sự xúc tác của enzyme thì phản ứng sẽ có thể xảy ra mà không cần điều kiện quá khắc nghiệt về nhiệt độ do enzyme đã làm giảm năng lượng kích hoạt phản ứng. Và như đã nhấn mạnh nhiều lần, không cần thuỷ phân hết toàn bộ lượng niacinamide có trong sản phẩm, chỉ cần 1 lượng nhỏ nicotinic acid sinh ra là đã có thể gây tác dụng đỏ và giãn mạch trên nền da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém rồi.

Vậy trên da có enzyme gì thuỷ phân liên kết amide của niacinamide vậy?

Cũng theo tạp chí Sinh Lý và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Physiology 2019), số 32, trang 283 – 293, biểu bì có chứa các men esterase đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá của làn da.

 

Vậy men esterase có liên quan gì mà đề cập ở đây? Vì theo quyển A Textbook of Modern Toxicology (xuất bản bởi Wiley InterScience) có khẳng định “men esterase và men amidase được phân bố khắp mọi nơi trên cơ thể” và “không có men esterase nào là không có hoạt tính amidase”, mà amidase chính là men thuỷ phân liên kết amide. Mọi thứ có vẻ rõ ràng hơn rồi nhỉ? ^^

 

Ngoài ra,  tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, còn chứng minh được việc lớp biểu bì, trung bì và da toàn phần có hoạt lực thuỷ phân khác nhau, trong đó biểu bì có hoạt lực thuỷ phân mạnh nhất ở gần lớp đáy và gấp khoảng 10~12 lần so với trung bì và da toàn phần. Điều này cũng giải thích tại sao những làn da bị bào mỏng, tổn thương, hay tại những vị trí có vết thương thì sẽ dễ bị nóng, đỏ, rát hơn khi phối hợp sản phẩm có pH thấp với sản phẩm chứa niacinamide nồng độ cao vì ở những vị trí thương tổn có hàng rào biểu bì không toàn vẹn, Niacinamide dễ tiếp xúc với hoạt lực thuỷ phân mạnh của lớp đáy hơn.

 

CÂU 5 – BHA CÓ PHẢI LÀ ACID TỰ TRUNG HOÀ (SELF-NEUTRALIZING ACID) KHÔNG?

Có bạn đặt câu hỏi là, “chẳng phải BHA là acid tự trung hoà sao? Nghĩa là sau khi sử dụng thì BHA sẽ tự được trung hoà và làn da sẽ trở về pH sinh lý bình thường?”

Yessss, chính xác là như vậy. Và chính vì vậy mới có lời khuyên là sử dụng sản phẩm BHA xong, đợi 15 – 30 phút sau hả sử dụng tiếp sản phẩm chứa Niacinamide. Cơ sở khoa học của lời khuyên này chính là để BHA có thời gian tự trung hoà và làn da trở về pH sinh lý trước khi mình thoa tiếp sản phẩm chứa Niacinamide đó.

Thực ra, thời gian tự trung hoà này là bao lâu thì tuỳ thuộc vào cách bào chế của từng sản phẩm và cấu trúc của từng nền da. Cho nên, thời gian đó là 10 phút hay 20 phút hay 30 phút hay nhiều hơn hay ít hơn sẽ tuỳ thuộc vào từng sản phẩm cụ thể và từng làn da riêng biệt.

 

CÂU 6 – VẬY CHỐT LẠI, CÓ NÊN KẾT HỢP SẢN PHẨM CHỨA NIACINAMIDE VÀ SẢN PHẨM CHỨA BHA HAY KHÔNG?

Câu trả lời của Tiến là NÊN KẾT HỢP. Tuy nhiên, “nên kết hợp” không có nghĩa là kết hợp vô tội vạ mà không cần cân nhắc tới các tác dụng phụ có thể đi kèm.

 

– Nếu các bạn sử dụng sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Niacinamide của cùng 1 hãng sản xuất, và hãng này khuyến cáo dùng chung được thì tất nhiên là dùng chung được, vì hãng làm ra sản phẩm, một khi họ đã recommend dùng chung thì nghĩa là họ đã loại trừ các tương kị về bào chế, cũng như loại trừ hết các tính chất bất lợi của sản phẩm khi kết hợp cùng với nhau.

 

– Vấn đề đáng nói ở đây là, chúng ta thường hay có thói quen mix sản phẩm BHA của hãng này với sản phẩm niacinamide của hãng khác. Khi đó, các nguy cơ về tương kị bào chế (phá hệ pH, rã hệ gel, v.v…. như đã đề cập ở trên) cũng như các tương tác bất lợi của 2 sản phẩm sẽ không được ai đảm bảo. Chính vì vậy, khi phối hợp như vậy lần đầu tiên, chúng ta nên cẩn thận để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Tại sao khi dùng retinol, chúng ta đi cẩn thận từ nồng độ thấp rồi mới lên cao dần, hoặc khi dùng 1 sản phẩm mới chúng ta hay test da trước khi dùng toàn mặt, vậy mà khi kết hợp sản phẩm BHA và sản phẩm Nia lần đầu, chúng ta lại keo kiệt với chính bản thân mình 1 lần cẩn trọng? Không ai nói là BHA + Nia sẽ luôn luôn gây hại, nhưng bạn bè mình có thể dùng retinol 1% không có nghĩa là mình cũng có thể bôi retinol 1% một cách vô tội vạ? Retinol tốt đó, nhưng dùng sai cách và không phù hợp với chính mình thì có gây hại không?

 

– Còn tất nhiên, có rất nhiều bạn đã và đang sử dụng kết hợp sản phẩm BHA và sản phẩm Nia chung với nhau, chẳng những không có vấn đề gì mà da còn rất đẹp. Đơn giản là vì BHA dùng trước cũng giúp tăng tính thấm của Nia dùng sau. Chỉ là, skincare thì không nên vội vã, cứ cẩn trọng, từ từ theo đúng tốc độ của chính mình. Cũng như 1 lời khuyên đã quá cũ, đừng vì bạn mình xài retinol 1% da đẹp quá mà ngay lần đầu sử dụng mình cũng sẽ dùng 1%.

 

– Vậy lời khuyên của Tiến nếu các bạn muốn kết hợp sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Nia thì phải cẩn trọng như nào?

  • Dùng sản phẩm BHA và sản phẩm Nia của cùng 1 brand và theo đúng khuyến cáo của brand đó.
  • Nếu dùng 2 sản phẩm khác brand thì cần chú ý độ pH của sản phẩm chứa BHA: nếu pH của sản phẩm BHA thấp hơn 4 thì nên chờ 30 phút cho BHA tự trung hoà rồi hả bôi thêm sản phẩm chứa Nia lên và nên bắt đầu với nồng độ Nia thấp; nếu pH của sản phẩm BHA từ 4 trở lên, có thể sử dụng sản phẩm Nia liền ngay sau đó.
  • 2 lời khuyên trên chỉ dành cho làn da khoẻ mạnh. Đối với các làn da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém, có vết thương, v.v… cần được thăm khám và tư vấn routine sử dụng bởi người có chuyên môn.

Mục đích của bài viết này không nhằm làm các bạn thêm hoang mang trong việc sử dụng BHA và niacinamide, mà là cung cấp thêm 1 góc nhìn và hướng dẫn các bạn cách sử dụng kết hợp 2 thành phần này sao cho hiệu quả và an toàn nhất. Cẩn tắc vô áy náy mà, đặc biệt là với sắc đẹp và sức khoẻ của mình, đúng không?  ^^

Hy vọng bài viết này đủ để giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn. Chúc cả nhà ta luôn đẹp an toàn !!!

Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.
Dược sĩ Tiến - Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare và làm đẹp bằng thẩm mỹ nội khoa. Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare.

Copyright © DƯỢC SĨ TIẾN. All rights reserved 2021.