Các phương pháp xử lý vết thâm hiệu quả

Làn da mượt mà, trắng mịn không tỳ vết hoặc chí ít cũng nâu khỏe, đồng đều màu là ước muốn không chỉ của riêng các tín đồ đam mê làm đẹp, mà là của hầu như tất cả mọi người, dù là nam giới hay nữ giới. Tuy nhiên, với đặc tính di truyền của dân tộc da vàng và khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo tiếp nhận lượng lớn tia UV xuyên suốt cả năm, rất nhiều trong số chúng ta đang phải đau đầu về những vết sắc tố cứng đầu đeo bám mãi trên da mặt như nám mảng, tàn nhang, đốm nâu, hay các vết thâm, v.v… Trong khuôn khổ của bài viết này, Dược sĩ Tiến sẽ thảo luận về các vết thâm và phương hướng xử trí những vết thâm xấu xí này.

Vết thâm là gì?

Vết thâm, hay thuật ngữ chuyên môn còn gọi là tăng sắc tố sau viêm (Post Inflammation Hyperpigmentation – PIH), là tình trạng các tế bào sắc tố tăng cường hoạt động sản sinh nhiều sắc tố melanin tại vùng da bị viêm hay tổn thương trước đó, ví dụ như các vết thâm do mụn để lại, vết thâm do bỏng, hay tình trạng tăng sắc tố do laser, v.v… Về biểu hiện lâm sàng, tăng sắc tố sau viêm có thể nằm rời rạc từng đốm theo các vết tổn thương như trường hợp thâm mụn, hoặc cũng có liền lạc thành từng mảng và dễ nhầm lẫn với nám mảng như trường hợp tăng sắc tố do bỏng hay tăng sắc tố sau laser. Điểm khác biệt dễ nhận biết của tăng sắc tố sau viêm so với các trường hợp rối loạn sắc tố khác là đã có một tổn thương hay một phản ứng viêm tại vị trí đó trước khi hình thành sắc tố.

Cần nhận biết rõ từng giai đoạn, hay từng dạng của vết thâm để có thể định hướng phương thức xử lý đúng đắn và phù hợp. Thông thường, sau một tổn thương quá mức sẽ hình thành vết thâm màu đỏ trước khi màu đỏ đó phai dần và chuyển hẳn thành một vết tăng sắc tố màu nâu/đen. Loại da càng tối màu (phân loại Fitzpatrick nhóm IV, V và VI) thì nguy cơ tăng sắc tố/tạo sẹo sau một tổn thương càng cao, do hoạt tính tế bào sắc tố melanocyte mạnh mẽ hơn cũng như kích thước túi chứa sắc tố melanosome to hơn, nhiều hơn và phân hủy chậm hơn.

So sánh tế bào sắc tố giữa da tối màu và da sáng màu

Xử lý vết thâm màu đỏ

Các vết thâm màu đỏ thường là giai đoạn sớm của quá trình hình thành vết thâm, khi mà phản ứng viêm chưa kết thúc hoàn toàn hoặc vừa mới kết thúc, tổ chức da ở vùng tổn thương chưa được tái tạo đầy đủ hay các tổn thương hệ mạch chưa được khôi phục và huyết sắc tố chưa được đào thải. Thông thường, định hướng đối với các vết thâm dạng này cần tác động nhẹ nhàng theo hướng kích thích quá trình hồi phục của tổn thương và kết thúc hoàn toàn phản ứng viêm trước đó, đồng thời kìm hãm quá trình sản sinh sắc tố quá mức sau viêm. Cần tránh các liệu pháp trị liệu mang tính xâm lấn hay kích ứng, tránh việc kích thích một phản ứng viêm mới khi phản ứng viêm trước đó chưa kết thúc hoặc khi tổn thương chưa hồi phục hoàn toàn.

Trong trường hợp các vết thâm đỏ tương đối ít và nhẹ nhàng, tổn thương không quá sâu mà chỉ khu trú nông trên bề mặt, chúng ta có thể cải thiện hoặc xóa bỏ các vết thâm đỏ bằng các liệu pháp chăm sóc da tại nhà như sau:

– Bôi dịch chiết tế bào gốc hoặc PRP (Platelet Rich Plasma – Huyết tương giàu tiểu cầu): các yếu tố tăng trưởng như yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (VEGF), yếu tổ tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF), yếu tố tăng trưởng nguồn gốc tiểu cầu (PDGF), yếu tố tăng trưởng chuyển đổi beta (TGF-β), v.v… sẽ giúp tổn thương mau lành, ngăn ngừa sẹo, kích thích tăng sinh collagen, elastin và tăng trưởng biểu bì để tái cấu trúc da vùng tổn thương, kích thích tăng sinh hệ mạch. Tuy nhiên cần lưu ý đối với da dầu hay da đang bị mụn vì dễ có nguy cơ nổi mụn nhiều hơn do đẩy nhanh tốc độ sừng hóa gây tắc nghẽn. Có thể hạn chế việc nổi mụn bằng cách không bôi lên vùng da lành mà chỉ bôi khu trú trên vùng da bị tổn thương mà thôi.

Các yếu tố tăng trưởng trong PRP

– Sử dụng kem bôi có chứa vitamin K và/hoặc chiết xuất Arnica giúp thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương hệ mạch và đào thải huyết sắc tố để loại trừ các vết thâm đỏ nhanh chóng hơn.

– Sử dụng các sản phẩm làm trắng không chứa các loại acid hữu cơ gây bong da để ức chế quá trình sản sinh sắc tố sau viêm mà không gây kích ứng da cũng như không kích thích một phản ứng viêm mới làm vết thâm đỏ nhiều hơn.

– Tẩy da chết nhẹ nhàng dạng gel tạo cuộn (2 lần / tuần vào buổi tối) hoặc đắp sữa chua không đường khoảng 1-2 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 10 – 15 phút sau đó rửa sạch. Việc tẩy da chết nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn và tái tạo da nhanh chóng hơn, đồng thời ngăn ngừa việc tích lũy sắc tố melanin sau viêm. Tất nhiên việc này cần được thực hiện nhẹ nhàng nhất có thể để không làm da bị kích ứng và đỏ thêm.

– Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và bôi kem chống nắng thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tăng sắc tố sau viêm.

Trong trường hợp các liệu pháp chăm sóc tại nhà đối với các vết thâm đỏ tỏ ra kém hiệu quả do tổn thương quá nhiều và quá sâu, hoặc nhu cầu xóa bỏ vết thâm đỏ cần phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể, thì liệu pháp trị liệu bằng laser xung dài tại các phòng khám da liễu, thẩm mỹ viện hay các spa sẽ là lựa chọn tối ưu. Laser xung dài với độ rộng xung hàng miligiây sẽ tác động sâu xuống trung bì nhú và trung bì lưới, nơi xảy ra các tổn thương hệ mạch, và được hấp thu chọn lọc bởi các huyết sắc tố sẽ hình thành cơ chế quang nhiệt chọn lọc để phân hủy chọn lọc các huyết sắc tố này và giúp cơ thể đào thải chúng ra ngoài nhanh hơn rất nhiều.

Trị liệu bằng laser xung dài

Xử lý các vết thâm màu đen

Các vết thâm đen thường xuất hiện khi phản ứng viêm đã kết thúc hoàn toàn, vùng da tổn thương đã tương đối lành lặn và các thương tổn hệ mạch hầu như không còn nữa. Phản ứng sản sinh sắc tố thông thường sẽ dừng lại và không tiếp diễn nữa nếu như chúng ta không kích hoạt phản ứng viêm mới (trừ một số trường hợp rất đặc biệt tổn thương sâu hoặc tổn thương khi da còn non/trẻ làm rối loạn điểm đẳng sắc của làn da – vấn đề này ít gặp nhưng khá phức tạp và sẽ được bàn sâu hơn ở những bài biết khác).

Chính vì đặc điểm phản ứng viêm đã kết thúc, tổn thương đã lành và quá trình sản sinh sắc tố đã dừng lại hoàn toàn nên định hướng trị liệu đối với các vết thâm màu đen là bóc tách nhẹ nhàng để lấy đi các sắc tố melanin đang có sẵn trên da. Bóc tách cần đủ mạnh để lấy được càng nhiều sắc tố melanin hiện có càng tốt, nhưng đồng thời cũng phải đủ nhẹ nhàng để không vô tình làm kích hoạt một phản ứng viêm mới và lại hình thành một quá trình tăng sắc tố mới.

Xử lý tại nhà có thể kể đến như: tẩy da chết thường xuyên (2-3 lần / tuần bằng cơ chế vật lý hay hóa học), sử dụng các loại sản phẩm làm trắng có chứa acid bong da hoặc không (có chứa acid đối với da dày khỏe, ít tiếp xúc ánh nắng; sử dụng loại không chứa acid đối với da mỏng, yếu hoặc tiếp xúc nhiều với nắng), chống nắng kỹ và thường xuyên, ngay cả khi trong nhà.

Trị liệu bằng phương pháp thay da hóa học

Xử lý chuyên nghiệp tại các phòng khám da liễu, các spa hay thẩm mỹ viện có thể kể đến như thay da sinh học (có thể là thay da hóa học hay thay da vật lý bằng vi tảo, tùy thuộc da dầu hay da khô và các vấn đề đi kèm) hoặc nếu không muốn bong tróc hay không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt/giao tiếp hay công việc thì có thể lựa chọn liệu pháp chiếu laser xung ngắn bằng kỹ thuật toning để xóa bỏ vết thâm dần dần mà không gây tổn thương da.

Trị liệu bằng laser xung ngắn

Tóm lại, các vết thâm hay tăng sắc tố sau viêm (PIH) nếu được xác định và điều trị đúng thì có thể dễ dàng cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu áp dụng sai định hướng hay sai phương pháp sẽ dễ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tăng sắc tố sâu hơn và rộng hơn, tạo sẹo do tổn thương quá mức, hoặc thậm chí là gây mất sắc tố vĩnh viễn.

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Thay da hóa học – nên hay không?

Ngày nay, với quan niệm rằng một làn da đẹp là một làn da trắng mướt như sứ, mà quên đi rằng một làn da khỏe mạnh mới là một làn da đẹp thật sự, cộng với tâm lý thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi phải đẹp và trắng thật nhanh, nhiều chị em đã không ngần ngại và do dự khi tìm đến những giải pháp làm đẹp da tức thời, thay da đổi thịt một cách nhanh chóng bằng cách “lột da” thông qua việc bôi hay đắp các loại hóa chất tiêu sừng, bong vảy ở nồng độ cao. Một số người nhanh chóng có được làn da trắng hồng, căng mịn và rồi lại tiếp tục rỉ tai, truyền miệng liệu pháp lột da này như một giải pháp thần thánh cho bạn bè và người thân của mình; nhưng cũng không ít người gặp phải biến chứng như tạo sẹo, bỏng da, da mỏng đỏ căng rát, sạm da sau viêm, v.v… thì đành ngậm ngùi chấp nhận như một vận xui và tìm đến các bác sĩ da liễu để giải quyết hậu quả. Vậy thực hư của phương pháp lột da này là như thế nào? Những tác dụng đẹp đẽ và tích cực đó có tồn tại mãi không? Và tại sao cũng có không ít người gặp phải những biến chứng nghiêm trọng?

Lột da hóa học là gì?

Lột da hóa học, thuật ngữ tiếng Anh là chemical peelings, hay tại các spa, các thẩm mỹ viện còn được gọi là thay da hóa học hay thay da sinh học. Bản chất của phương pháp này là một liệu pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ được các bác sĩ da liễu hay các chuyên viên thẩm mỹ ứng dụng trong trị liệu một số vấn đề về da như mụn, sẹo, thâm, lão hóa, rối loạn sắc tố,v.v… Cơ sở khoa học của phương pháp này dựa trên việc sử dụng các hoạt chất thay da hóa học có bản chất là các acid hữu cơ như alpha hydroxy acid (AHA) gồm acid citric, acid glycolic, acid lactic, v.v… hay beta hydroxy acid (BHA) như acid salicylic hoặc alpha keto acid như acid pyruvic nhằm kích thích quá trình bong vảy của lớp biểu bì, thúc đẩy nhanh quá trình thay mới và tái tạo của làn da, đồng thời tạo một tín hiệu thương tổn lành tính nhằm khởi phát một phản ứng viêm có kiểm soát để kích thích việc tăng sinh collagen, elastin, tăng cường tái cấu trúc biểu bì và trung bì. Bên cạnh khả năng gây bong da và tróc vảy, mỗi một acid hữu cơ còn có một số tác dụng sinh học đi kèm, và thường được lựa chọn phù hợp với loại da và vấn đề da của mỗi người như acid lactic có khả năng làm trắng và giữ ẩm; acid glycolic có khả năng kích thích nguyên bào sợi tăng cường sản sinh collagen và elastin, tăng cường hàm lượng acid hyaluronic ở mạng lưới ngoại bào; acid salicylic có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, điều chỉnh dầu nhờn và làm thông thoáng lỗ chân lông;.v.v…

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình thay da hóa học?

Các quy trình thay da hóa học khác nhau sẽ tạo nên những tác dụng khác nhau phụ thuộc vào bản chất hóa học của acid được chọn lựa, là một acid hay sự phối hợp của nhiều acid khác nhau; nồng độ của acid được chọn lựa; pH của dung dịch thay da; môi trường của dung dịch thay da có được “đệm” sẵn hay không; và thao tác, kỹ thuật thực hiện quy trình thay da như thế nào (dùng cọ hay bông cotton để thoa dung dịch, thoa bao nhiêu lớp, dung dịch tiếp xúc với làn da bao nhiêu lâu trước khi trung hòa, kết thúc quy trình có trung hoa acid hay không, v.v…). Ngoài ra, tình trạng da và cách chăm sóc da của bệnh nhân trước khi thực hiện quy trình thay da sinh học cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ. Những da mỏng đỏ, yếu, hay da khô bong tróc, hoặc tẩy da quá mạnh, hay sử dụng các chế phẩm dưỡng da bong tróc biểu bì như AHA, BHA, retinol, isotretinoin, v.v… trước khi thay da đều dễ làm cho da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn đối với quy trình thay da hóa học. Và tất nhiên, một chế độ dưỡng da và bảo vệ da phù hợp sau quy trình thay da hóa học là cực kỳ quan trọng để mang lại hiệu quả tốt nhất và ngăn ngừa những tai biến không đáng có – tránh nắng và chống nắng sau trị liệu là hoàn toàn không thể bỏ sót.

Lợi ích và tác hại của liệu pháp thay da hóa học

Thay da hóa học là một liệu pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ không thể thiếu đối với các bác sĩ da liễu và các cơ sở chăm sóc, trị liệu da chuyên nghiệp vì khi thực hiện đúng, thay da hóa học có thể khắc phục được rất nhiều vấn đề trên da như mụn, sẹo, thâm, chân lông to, lão hóa, rối loạn sắc tố, v.v… với chi phí thấp hơn rất nhiều lần so với các phương pháp trị liệu bằng công nghệ cao như laser, ánh sáng cường độ cao, sóng siêu âm hội tụ, vi kim điện từ, v.v… Thậm chí, trong một số trường hợp như mụn do vi khuẩn hay viêm nang lông do vi nấm, viêm da tiết bã, liệu pháp thay da hóa học đóng một vai trò rất quan trọng trong trị liệu mà khó có thể được thay thế hoàn toàn bởi một liệu pháp công nghệ cao nào khác.

 

Mặc dù có nhiều lợi ích và hầu như không thể thay thế trong một số trường hợp, nhưng liệu pháp thay da hóa học cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tai biến nghiêm trọng nếu không được thực hiện đúng cách. Việc sử dụng những dung dịch thay da tự chế như ngâm rễ cây, thuốc rượu, sử dụng củ huệ tây, v.v…. để tự thay da/ lột da tại nhà dễ gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho làn da do nồng độ các hóa chất tiêu sừng, bong vảy không được kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ số pH của dung dịch không phù hợp với loại da và vấn đề da, dung dịch không được đệm sẵn để giảm tính ăn mòn của acid, độ vô khuẩn của dung dịch không được đảm bảo, các hoạt chất kích ứng da chưa được loại trừ hoàn toàn, v.v… Thậm chí, khi một dung dịch thay da được sản xuất bởi những thương hiệu hàng đầu, nhưng lại được thực hiện bởi một kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản cũng sẽ gây ra những tác hại khó lường do kỹ thuật viên không nhận biết được điểm dừng lâm sàng phù hợp, lựa chọn tác nhân thay da không phù hợp, hay kỹ thuật áp dụng thay da lên khách hàng không chuẩn mực – để quá lâu hoặc bôi quá nhiều lớp, v.v… Các tai biến của thay da hóa học có thể chỉ nhẹ nhàng như đỏ da, kích ứng, bong da quá mức, hoặc cũng có thể rất nghiêm trọng như nhiễm trùng, tạo sẹo, da mỏng đỏ – lộ chỉ máu, hay tăng sắc tố sau viêm,v.v… Một số người còn rỉ tai nhau bôi một số loại kem làm trắng cấp tốc sau khi thay da/ lột da nhằm đạt được làn da trắng hồng, mịn màng, căng bóng nhưng lại không biết được rằng những loại kem đó có chứa thành phần corticoid tạo tác dụng trắng da nhờ kháng viêm và ức chế miễn dịch mạnh, cũng như căng bóng da nhờ tác dụng phụ gây phù và giữ nước. Tuy nhiên, sau khi bôi các loại kem này một thời gian, làn da sẽ bị mỏng đỏ, lộ mạch máu do tác dụng phụ gây teo da – giãn mạch, và có thể nổi mụn, kích ứng da, thậm chí dẫn đến hình thành nám kháng trị.

Có nên lột da/ thay da hóa học hay không?

Câu hỏi này cần được trả lời và thực hiện bởi các bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ sau khi thăm khám da cụ thể vì thay da hóa học cần được chỉ định đúng loại da, đúng trường hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất, và tránh được những rủi ro, tai biến và tác dụng phụ. Không nên tự áp dụng thay da/lột da qua các liệu pháp dân gian, hay truyền miệng vì dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và khó hồi phục.

 

Dược sĩ Tiến

 

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

[DsT Beauty Show] Mụn & Các phương pháp xử lý

Trong talkshow lần này, Dược sĩ Tiến trò chuyện cùng bs Jana Manuel (Philippines) về mụn, các nguyên nhân hình thành và những phương pháp xử lý hiện có. Cả nhà cùng tham khảo nhé.

https://www.youtube.com/watch?v=PZGgz2nM6Pk

 

——–

Dược sĩ Tiến’s Beauty Show là chuỗi những clip chia sẻ kiến thức và những lời khuyên của Dược sĩ Tiến về chăm sóc da hay sử dụng mỹ phẩm đúng cách, cũng như những thông tin về các dịch vụ thẩm mỹ thông dụng trên thị trường.

Hãy ĐĂNG KÝ KÊNH của Dược sĩ Tiến để có thể nhận được thông báo mỗi khi Dược sĩ Tiến xuất bản những clip mới nhất nhé.

https://www.youtube.com/channel/UC4_xwODdmXb6UobhV9o1DoA?sub_confirmation=1

 

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Dược Sĩ Tiến Chia Sẻ Về Công Nghệ Triệt Dầu, Trị Mụn Vĩnh Viễn

Mụn là nỗi lo không của riêng ai, vì hầu như tất cả chúng ta đều từng ít nhất một lần khó chịu về những nốt sần, viêm, đỏ trên mặt hay trên lưng, làm mất đi vẻ thẩm mỹ của làn da và nghiêm trọng hơn, mụn còn để lại những biến chứng nghiêm trọng trên làn da như lỗ chân lông to, sẹo thâm, sẹo lõm, hay sẹo lồi, v.v… Với một số người, mụn có thể chỉ nhẹ nhàng thoáng qua, bị một vài hôm rồi tự khỏi, hay mụn có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh – kháng khuẩn đường uống hay bôi ngoài da, nhưng một số kém may mắn hơn thị mụn cứ tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng ngay cả khi đang trị liệu, hay dễ dàng tái phát trở lại rất nhanh khi vừa kết thúc quá trình điều trị. Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm đến dược sĩ Phạm Minh Hữu Tiến, hay thường được người trong nghề gọi là Dược sĩ Tiến, một chuyên gia của ngành chăm sóc sắc đẹp Việt Nam, thành viên Viện Hàn Lâm Thẩm mỹ nội khoa Hoa Kỳ, để phỏng vấn về công nghệ triệt dầu, trị mụn vĩnh viễn đang khá hot trên mạng internet như một giải pháp triệt để cho các vấn đề liên quan đến dầu và mụn.

Dược sĩ Tiến, thành viên Viện Hàn Lâm Thẩm mỹ nội khoa Hoa Kỳ, giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo thẩm mỹ Dược sĩ Tiến

 PV: Xin chào Dược sĩ Tiến, anh có thể cho mọi người biết thêm thông tin về những nguyên nhân tạo thành mụn cũng như các phương pháp điều trị mụn phổ biến hiện nay không ạ?

DsT: Chào bạn, xin chào quý vị độc giả, mụn đúng là một vấn đề khá phổ biến, đặc biệt là ở khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam. Mụn có nhiều loại như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn cám, mụn trứng cá, v.v… hay những thể thường bị nhầm lẫn với mụn như tình trạng viêm nang lông do nấm hay áp xe da, v.v… Mụn cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau tạo nên như rối loạn cân bằng dầu – nước của da, những bất thường trong quá trình biệt hóa tế bào sừng hay rối loạn quá trình sừng hóa, những nguyên nhân viêm nhiễm do vi khuẩn, vi nấm hay demodex kí sinh trên da, v.v… Chính vì vậy, việc điều trị mụn tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức phức tạp vì cần nhận định đúng tình trạng bệnh lý cũng như một hay nhiều nguyên nhân tạo thành mụn trên từng cơ địa bệnh nhân riêng biệt. Một số phương pháp trị liệu nội khoa khá phổ biến như cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc uống ức chế hoạt động tuyến bã nhờn, các loại thuốc kháng androgen, các loại kháng sinh, kháng viêm đường uống hoặc bôi, v.v… Hay trong da liễu thẩm mỹ, các bác sĩ/ chuyên viên thẩm mỹ cũng có thể sử dụng các liệu pháp thay da sinh học bằng acid salicylic có tác dụng kháng viêm – kháng khuẩn, hay acid glycolic có tác dụng khai thông lỗ chân lông, chống tắc nghẽn, hay retinol giúp điều tiết hoạt động tuyến bã, v.v…

“Thăm khám, chẩn đoán và xác định đúng tình trạng cũng như nguyên nhân cốt lõi gây nên mụn để xây dựng phác đồ trị liệu phù hợp với từng bệnh nhân riêng biệt” – Dược sĩ Tiến

PV: Gần đây trên mạng xã hội và internet đang khá sôi nổi về một công nghệ triệt dầu và trị mụn vĩnh viễn đến từ Hàn Quốc, vậy công nghệ này cụ thể là thế nào ạ?

DsT: Mặc dù công nghệ này chỉ mới du nhập và trở nên nổi tiếng ở Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng thực tế nó đã có mặt trên thế giới một thời gian khá lâu và cũng đã có một số nghiên cứu lâm sàng cũng như rất nhiều các phòng khám da liễu trên thế giới ứng dụng thành công rồi. Phương pháp này có tên gọi chính xác là tiêu hủy tuyến bã nhờn chọn lọc bằng cơ chế điện nhiệt phân hủy. Cơ sở khoa học của phương pháp này trong việc cân bằng dầu nhờn trên da, hay điều trị triệt để mụn là dựa trên nguyên lý tiêu hủy chọn lọc những tuyến bã nhờn bị tăng sản hay phì đại trên da bệnh nhân, từ đó hạn chế tối đa việc sản sinh dầu nhờn quá mức, cũng như loại trừ nguyên nhân cốt lõi của việc hình thành những nốt mụn hay tái đi tái lại mà các phương pháp điều trị kháng khuẩn đều tỏ ra không hiệu nghiệm. Và đặc biệt là, với công nghệ này thì số lần trị liệu để đạt kết quả mong muốn sẽ ít hơn rất nhiều so với những phương pháp trước đây. Với những tình trạng nhẹ, có thể chỉ cần 1 lần trị liệu duy nhất, còn với các tình trạng nặng hơn thì cũng chỉ cần khoảng 2 – 3 lần trị liệu thì bệnh nhân dễ dàng đạt được sự cải thiện đáng kể theo mong muốn.

Dược sĩ Tiến và công nghệ tiêu hủy tuyến bã nhờn chọn lọc bằng cơ chế điện nhiệt phân hủy

 PV: Vậy Anh có thể cho biết thêm là phương pháp mới này có gì khác so với các phương pháp trước giờ mọi người vẫn thường hay sử dụng ạ?

DsT: Thực ra đối với các loại mụn viêm thì những phương pháp trị liệu kháng khuẩn (mụn do vi khuẩn), kháng nấm (viêm nang lông do nấm), ức chế dầu bằng thuốc uống vẫn là chỉ định đầu tay vì tương đối dễ thực hiện, chi phí thấp cho bệnh nhân và không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu quá nhiều. Tuy nhiên, nếu đáp ứng với các phương pháp trị liệu trên không như mong đợi, hay dễ xuất hiện tình trạng tái mụn trở lại sau khi ngừng trị liệu, thì liệu pháp tiêu hủy tuyến bã nhờn chọn lọc bằng cơ chế điện nhiệt phân hủy sẽ là một giải pháp phù hợp. Nguyên nhân là do một khi tuyến bã nhờn đã phì đại và tăng kích thước gấp 4 – 5 lần so với bình thường, dẫn tới hoạt động sản sinh bã nhờn trở nên mạnh mẽ quá mức và thường xuyên gây nên tình trạng tắc nghẽn tại vị trí đó. Lúc này, dù chúng ta có sử dụng các loại thuốc kháng khuẩn, kháng nấm hay ức chế hoạt động tuyến bã nhờn, thì ngay khi chúng ta dừng thuốc, hoạt động của những tuyến bã phì đại sẽ dễ dàng tiếp tục mạnh mẽ trở lại, tiếp tục gây nên tình trạng tắc nghẽn tại những vị trí đó, mà chính sự tắc nghẽn này tạo nên môi trường kỵ khí (thiếu oxy) rất thuận lợi cho sự tăng sinh và phát triển của khuẩn mụn. Chính vì vậy, chỉ khi nào chúng ta có thể tiêu hủy chọn lọc những tuyến bã nhờn phì đại này thì mới có thể cắt đứt nguyên nhân gốc rễ tạo nên mụn, từ đó triệt tiêu mụn tận gốc mà không lo ngại mụn sẽ tái đi tái lại gây nên các hậu quả nghiêm trọng như dãn nở lỗ chân lông, sẹo lõm ngày càng to, sẹo lồi hay sẹo thâm gây mất thẩm mỹ cho làn da. Ở một số các phòng khám da liễu trên thế giới, các bác sĩ giàu kinh nghiệm sau khi thăm khám kỹ lưỡng tình trạng của bệnh nhân, nếu phát hiện bệnh nhân bị mụn do phì đại tuyến bã nhờn, thường sẽ chỉ định ngay phương pháp điện nhiệt phân hủy chọn lọc tuyến bã phì đại  này, để vừa tiết kiệm thời gian – chi phí cho bệnh nhân, vừa hạn chế các tác dụng phụ trên toàn thân của các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng androgen hay ức chế dầu nhờn.

“Thiết bị điện nhiệt phân hủy chọn lọc cần được thiết kế chuyên biệt cho việc tiêu hủy chọn lọc tuyến bã nhờn phì đại, sao cho bảo vệ được bề mặt da, nhiệt lượng phát ra đủ lớn trong thời gian cực ngắn ở độ sâu phù hợp” – Dược sĩ Tiến

PV: Vậy phương pháp điện nhiệt phân hủy chọn lọc tuyến bã phì đại có đòi hỏi trang thiết bị hay kỹ thuật gì đặc biệt không ạ?

DsT: Tất nhiên là phương pháp điện nhiệt phân hủy sẽ cần một thiết bị điện nhiệt rồi (cười). Ngoài ra, còn đòi hỏi thiết bị điện nhiệt được thiết kế chuyên biệt cho việc tiêu hủy chọn lọc tuyến bã nhờn, vì tuyến bã nhờn thường nằm dưới bề mặt da khoảng 400 µm, nên nhiệt lượng cần phải được phát ra ở độ sâu này, mà không được phép phát ra ở bề mặt để tránh tổn thương thượng bì, tránh gây sẹo hay tăng sắc tố do bỏng bề mặt. Ngoài ra, tuyến bã nhờn phì đại có kích thước to gấp 4 – 5 lần so với bình thường nên độ dài phần phát nhiệt phải ít nhất là 1000 µm và nhiệt lượng được phát ra khoảng 70oC trong khoảng thời gian phát xung cực ngắn để vừa đủ tiêu hủy tuyến bã phì đại mà không lan ra làm bỏng mô lành. Kỹ thuật thực hiện không quá phức tạp nhưng cũng cần hết sức chú ý để nhiệt lượng được đưa vào đúng mục tiêu, tránh là bỏng bề mặt hay bỏng mô lành do thao tác sai kỹ thuật.

Chỉ tiêu hủy một số lượng rất ít những tuyến bã nhờn phì đại nên không ảnh hưởng chức năng tiết bã nhờn sinh lý của làn da

PV: Phương pháp này triệt tiêu tuyến bã nhờn, vậy có làm da bị khô hay nhanh chóng bị lão hóa khi chúng ta lớn tuổi không ạ?

DsT: Thực tế thì trên da mặt chúng ta có hàng triệu tuyến bã nhờn sinh lý, và với phương pháp này chúng ta chỉ triệt tiêu chọn lọc khoảng vài chục đến trên dưới 100 tuyến bã phì đại hay tuyến bệnh lý mà thôi. Tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến chức năng tiết dầu nhờn và tiết bã sinh lý của làn da. Da vẫn sẽ còn dầu nhờn, nhưng ở mức độ cân bằng, và sinh lý, chứ không quá mức làm mất thẩm mỹ hay gây bệnh lý như trước khi trị liệu.

“Chế độ dinh dưỡng sau trị liệu cần nhiều rau, củ, quả, chất xơ, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất, đồng thời hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều dầu, mỡ, béo” – Dược sĩ Tiến

PV: Có gì cần lưu ý sau khi thực hiện phương pháp này không ạ?

DsT: Điều cần lưu ý nhất chính là tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên viên trị liệu về cách giữ vệ sinh da mặt, sản phẩm dùng tại nhà, thời hạn tái khám và xử lý, hồi phục da sau trị liệu, v.v… Chế độ dinh dưỡng nhiều rau củ quả, các loại trái cây, bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và chất xơ, hạn chế dầu, mỡ, béo cũng rất cần thiết và nên được lưu tâm.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của Anh. Chúc Anh ngày càng thành công trong công việc và cuộc sống.

 

Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.
Dược sĩ Tiến - Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare và làm đẹp bằng thẩm mỹ nội khoa. Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare.

Copyright © DƯỢC SĨ TIẾN. All rights reserved 2021.