Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?

Vitamin C (L-Ascorbic Acid) và Niacinamide là 2 thành phần hết sức quen thuộc và phổ biến đối với tất cả những tín đồ skincare đam mê dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng kết hợp 2 thành phần này trong quy trình skincare đã dấy lên không ít câu hỏi, cũng như tranh cãi về việc có nên sử dụng kết hợp 2 thành phần này với nhau hay không. Cho nên, hôm nay Tiến sẽ biết một bài tổng hợp các thông tin khoa học về vấn đề này, cũng như sẽ đưa ra lời khuyên cho các bạn về cách sử dụng 2 thành phần này nhé.

Trước khi vào bài, Tiến cần nói rõ, “kết hợp” mà mình thảo luận trong bài viết này là kết hợp trong cùng 1 lần skincare, tức là bôi sản phẩm chứa vitamin C dạng Ascorbic Acid trước, rồi bôi sản phẩm chứa Niacinamide sau, hoặc ngược lại. Còn tất nhiên, Tiến hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng Ascorbic Acid buổi này, và sử dụng Niacinamide buổi khác hoặc ngày khác, vì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da, không có gì phải bàn cãi cả.

Có chuyện gì xảy ra khi sử dụng kết hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và sản phẩm chứa NA?

  1. ẢNH HƯỞNG LÊN KHẢ NĂNG THẤM CỦA ASCORBIC ACID VÀO DA

    • Như chúng ta đều biết, pH có ảnh hưởng đến khả năng thấm của Ascorbic Acid qua da, và chính vì vậy hầu hết các sản phẩm chứa Ascorbic Acid đều được các nhà sản xuất nghiên cứu và bào chế ở một pH tối ưu nhất định (thường là pH thấp hơn 3.5) để khả năng thấm của Ascorbic Acid là cao nhất. Tiến xin dẫn chứng từ một bài báo trong Tạp chí Da liễu thẩm mỹ & lâm sàng (The Journal of Clinical & Aesthetic Dermatology) xuất bản tháng 06-2017, trang 14-15, có đề cập đến việc điều chỉnh pH xuống dưới 3.5 sẽ hỗ trợ rất tốt cho khả năng thấm của Ascorbic Acid vào da.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Ngược lại, Niacinamide lại thường được bào chế ở pH gần trung tính (thường là người ta sẽ điều chỉnh pH ~ 6) để đảm bảo sự bền vững của hoạt chất trong suốt quá trình bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng, trừ khi Niacinamide được thêm vào với mục đích khác không phải là hoạt chất, hoặc đã được tạo một phức bền với 1 chất nào khác để tránh hiện tượng thuỷ phân khi pH quá thấp hoặc quá cao (về sự thuỷ phân của Niacinamide, các bạn có thể xem chi tiết trong những bài viết trước của Tiến nhé). Trong các bài viết trước Tiến đã dẫn những khá nhiều về các nghiên cứu và sách vở rồi, ở đây Tiến sẽ dẫn chứng từ tài liệu kĩ thuật của 2 nhà sản xuất nguyên liệu là hãng Merck (Germany) và DSM (Switchzerland).
      • Trong tài liệu kĩ thuật của nguyên liệu Niacinamide tinh khiết do hãng Merck (Germany) sản xuất, có lưu ý rõ khoảng pH bền của Niacinamide là pH > 5 và pH < 7.5 (tài liệu dài, Tiến chỉ chụp tới khúc có nhắc pH bền).Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
      • Trong Product Data Sheet của nguyên liệu Niacinamide tinh khiết do hãng DSM (Switchzerland) sản xuất, cũng có lưu ý hiện tượng thuỷ phân Niacinamide thành nicotinic acid ở trong môi trường kiềm mạnh hoặc acid mạnh.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Chính vì sự khác biệt về pH của 2 sản phẩm, nên khi kết hợp chung trong cùng 1 lần skincare sẽ dễ dàng khiến cho pH tối ưu của Ascorbic Acid không còn được đảm bảo, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng thấm của Ascorbic Acid vào da. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng này tuỳ thuộc vào sản phẩm sử dụng và mức độ pH bị thay đổi khi phối hợp 2 sản phẩm. Đó là còn chưa kể đến một số tương kị về bào chế có thể xảy ra (ví dụ như pH thấp của sản phẩm chứa vitamin C có thể làm rã hệ gel của sản phẩm chứa vitamin B3 nếu sử dụng tá dược tạo đặc là carbopol, v.v…).
  2. ẢNH HƯỞNG LÊN TỐC ĐỘ PHÂN HUỶ CỦA ASCORBIC ACID

    • Theo Tạp chí khoa học mỹ phẩm quốc tế (Internation Journal of Cosmetic Science) số 34, xuất bản năm 2012, trang 127, sự hiện diện của riboflavin (RF) và nicotinamide (NA) đóng vai trò là chất khiến cho ascorbic acid (AH2) nhạy cảm quang và bị quang phân nhanh hơn trong công thức dạng cream (nhũ tương). Cần lưu ý là thí nghiệm này thực hiện trên công thức chứa AH2 riêng, AH2 + RF riêng, và AH2 + Niacinamide riêng để đánh giá sự ảnh hưởng riêng biệt của RF lên AH2 và của Niacinamide lên AH2.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Vì có nhiều nội dung và nằm rải rác ở nhiều trang hoặc nhiều cột trong cùng 1 trang, rất khó chụp từng ý nên Tiến tóm tắt lại các nội dung được đăng tải trên Tạp chí quang sinh & quang hoá (Journal of Photochemistry & Photobiology), số 182, xuất bản năm 2018 như sau:
      • Trang 117-118, kết quả phân tích sắc kí lớp mỏng cho thấy, dung dịch chỉ chứa ascorbic acid (AH2) khi bị chiếu UV có mức độ phân huỷ ít hơn so với dung dịch chứa AH2 + Niacinamide khi bị chiếu trong cùng điều kiện, đánh giá dựa trên mật độ (the intensisty) của vết dehydroascorbic acid (DHA) và vết 2,3-diketogulonic acid (DKA) trên bản sắc kí.
      • Trang 119, các dữ liệu động học cho thấy Niacinamide kích thích sự phân huỷ của ascorbic acid (AH2), và nồng độ Niacinamide càng cao thì tốc độ phân huỷ AH2 càng nhanh.
      • Trang 120, hằng số phản ứng quang phân ascorbic acid (AH2) trong dung dịch có chứa Niacinamide cao gấp 1.5 – 3.0 lần so với dung dịch AH2 không có chứa NA.
      • KẾT LUẬN: Kết quả cho thấy Niacinamide đẩy nhanh phản ứng quang phân huỷ ascorbic acid trong khoảng pH từ 2.0 – 12.0. Tốc độ phân huỷ càng nhanh khi nồng độ Niacinamide càng lớn cũng như khi độ pH càng cao.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
  3. ẢNH HƯỞNG LÊN HOẠT TÍNH CỦA ASCORBIC ACID

    • Vấn đề tiếp theo chúng ta cần xem xét, chính là sự kết hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid với sản phẩm chứa Niacinamide có làm ảnh hưởng đến tác dụng của từng chất này hay không? Liệu rằng sự phối hợp này có xảy ra phản ứng hoá học nào làm 2 chất trung hoà lẫn nhau và mất tác dụng cả hai như lời đồn đãi hay không?
    • Trước hết, Tiến sẽ sơ lược lại các bài báo và nghiên cứu có liên quan đến phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid để mọi người cùng nắm.
      • Phản ứng tạo màu vàng giữa Ascorbic Acid và Niacinamide được báo cáo lần đầu bởi Thomas Herrick Milhorat năm 1944, “A Color Reaction of Ascorbic Acid with Nicotinamide and Nicotinic Acid”
      • Công bố năm 1945, Bailey, Bright và Jasper đã nghiên cứu và phát hiện ra đó chính là phức chất tạo thành giữa Niacinamide và Ascorbic Acid (C5H4NCONH2=C6H8O6). Việc xác định khối lượng phân tử bằng phương pháp nghiệm lạnh cho thấy phức chất này có sự phân li khá mạnh trong dung dịch nước và dung dịch cồn.
      • Năm 1948, Wilhelm Wenner nghiên cứu về phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid, và nhận thấy phản ứng này không xảy ra tức thời mà cần thời gian, và thời gian để xuất hiện ra màu vàng đặc trưng tuỳ thuộc vào nhiệt độ, dung môi, v.v… cho thấy rằng đây không phải là phản ứng tạo muối đơn thuần vì phản ứng tạo muối sẽ xảy ra ngay lập tức. Nghiên cứu sâu hơn về phản ứng của Niacinamide với L-ascorbic acid và D-isoascorbic acid, cũng như việc chỉ có L-ascorbic acid phản ứng với nicotinic acid tự do, còn D-isoascorbic acid không phản ứng với nicotinic acid, tác giả cho rằng dùng phản ứng tạo muối để lý giải là chưa đầy đủ. Từ đó, ông đề xuất tên gọi của chất tạo thành của phản ứng Niacinamide với Ascorbic Acid là “phức chất nicotinamide-L-ascorbic-acid
      • Năm 1963, nghiên cứu của David E. Guttman và Dana Brooke bằng các phương pháp quang phổ đã xác định phản ứng tạo phức Niacinamide Ascorbate là phản ứng thuận nghịch, và mức độ phân ly của phức này khá cao do đỉnh hấp thu của quang phổ không đủ sắc nhọn, cũng như xác định được pH tối ưu cho sự hình thành phức chất Niacinamide Ascorbate là ở khoảng 3.8, với hằng số tạo phức phụ thuộc vào nhiệt độ và sự thay đổi enthalpy là khoảng 1500 cal. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, pH sinh lý không thuận lợi cho phản ứng tạo phức Niacinamide Ascorbate này.
    • Từ mấy thông tin trên, tụi mình có thể rút ra được một số điều như sau:
      • Màu vàng tạo thành khi phối hợp Ascorbic Acid với Niacinamide là màu của phức chất Niacinamide Ascorbate, chứ không phải phản ứng oxy hoá làm mất tác dụng của Ascorbic Acid.
      • Phản ứng tạo thành phức chất này là phản ứng thuận nghịch, phức chất Niacinamide Ascorbate có thể phân ly ra thành Niacinamide và Ascorbic Acid trong dung dịch. Chưa biết phức chất Niacinamide Ascorbate có tác dụng trên da thế nào, nhưng chắc chắn 1 điều rằng lúc nào trong dung dịch cũng có Niacinamide và Ascorbic Acid tự do, nên sẽ không có chuyện phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid làm mất hoàn toàn tác dụng của nhau.
    • Vậy vấn đề chúng ta cần xét kĩ lúc này, chính là phức chất Niacinamide Ascorbate có tác dụng trên da hay không, và nếu có tác dụng thì sẽ yếu hơn, mạnh hơn hay bằng với Niacinamide và Ascorbic Acid riêng lẻ?
      • Có một số bài viết, cũng như video clip cho rằng phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng, do có nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng phức chất Niacinamide Ascorbate làm giảm sản sinh melanin sau khi tiếp xúc với tia UV. Tiến cảm thấy chưa thuyết phục nên đã tìm đọc nghiên cứu đó, và thấy  số vấn đề.
      • Đây là  nghiên cứu được đăng tải trên Journal of the American Academy of Dermatology, Volume 60, Issue 3, Supplement 1, trang AB78, xuất bản ngày 01-03-2009. Tiến chụp toàn bộ những gì được đăng tải cho mọi người tham khảo và sẽ phân tích về nghiên cứu này.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
      • Nghiên cứu này không có vấn đề gì về cách thực hiện cũng như kết luận của họ cả. Tuy nhiên, những bài viết và video clip dựa vào nghiên cứu này để khuyên mọi người “đừng lo lắng khi kết hợp Ascorbic Acid với Niacinamide vì phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có hoạt tính” thì lại không chính xác. Tại sao khuyên như vậy lại không chính xác?
        • Thứ nhất, nghiên cứu chỉ kết luận là những mô da có sử dụng Niacinamide Ascorbate rồi đem chiếu tia mặt trời mô phỏng thì thấy có sự giảm tạo tua gai tế bào sắc tố và không có sự chuyển giao melanin. Nghiên cứu hoàn toàn không nói đó là tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate, vì như đã chứng minh bên trên, Niacinamide Ascorbate sẽ luôn phân ly tạo ra Niacinamide và Ascorbic Acid tự do. Vậy tác dụng đó là của phức chất Niacinamide Ascorbate hay của Niacinamide tự do và Ascorbic Acid tự do? Điều gì chứng minh được là phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng sinh học? Và thí dụ như phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng sinh học đi, thì tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate có ngang bằng với tác dụng của Ascorbic Acid tự do và Niacinamide tự do hay không? hay yếu hơn? hay mạnh hơn? Chưa có dữ liệu gì cả.
        • Rồi, giờ cứ giả dụ là cái tác dụng được để cập trong nghiên cứu này là tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate đó luôn đi, thì cũng chỉ là 2 tác dụng “giảm tạo tua gai” và”ức chế vận chuyển melanin”. Vậy còn vô số tác dụng có lợi khác của Ascorbic Acid như chống lão hoá quang hoá, chống ức chế miễn dịch do UV, chống ung thư quang hoá, chống lão hoá bằng việc kích thích sản sinh collagen, tái sản xuất vitamin E, giảm sản sinh sắc tố do ức chế tyrosinase, v.v… và vô số tác dụng có lợi khác của Niacinamide như cân bằng dầu nhờn, tăng sinh collagen, củng cố hàng rào biểu bì, tăng sinh ceramide, v.v… thì sao? Nghiên cứu không có đề cập tới.
        • Nghiên cứu này không sai. Nhưng nếu dựa vào nghiên cứu này để kết luận tác dụng của Niacinamide và Ascorbic Acid vẫn được bảo toàn sau khi tạo phức Niacinamide Ascorbate là chưa đủ căn cứ.
  4. TÁC DỤNG BẤT LỢI CHO LÀN DA

    • NĂM 2012, tác giả I. Ahmad và cộng sự đã nhận thấy đỉnh hấp thu của Niacinamide là 261 nm, rất gần với đỉnh hấp thu của Ascorbic Acid là 265nm nên có khả năng chuyển năng lượng ở trạng thái kích thích, dẫn tới sự phân huỷ của Ascorbic Acid tạo thành hydrogen peroxyde (chất này gây độc tế bào da, gây lão hoá da). Và đây là cơ chế mà Ahmad để xuất:Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Mặc dù đây chỉ là cơ chế đề xuất, nhưng đây là đề xuất có căn cứ khi Ahmad và cộng sự nghiên cứu phổ hấp thu UV của Niacinamide và Ascorbic Acid, cũng như nghiên cứu về động học phản ứng của quá trình quang phân huỷ Ascorbic Acid khi có mặt NA. Nên cũng đáng để chúng ta quan tâm và cân nhắc.

THẢO LUẬN THÊM,

  • Trong các bài viết cũng như video clip nói về phức chất Niacinamide Ascorbate mà Tiến đã xem qua, thì các bạn ấy cũng có lập luận là càng vào sâu trong da, pH càng cao và gần 7 thì phức Niacinamide Ascorbate sẽ bị phân ly ra nhiều hơn. Tiến đồng ý với quan điểm này về pH và sự phân ly. Nhưng mình chưa có căn cứ để khẳng định được là phức chất Niacinamide Ascorbate này sẽ vào được bao sâu, và liệu rằng ở pH sau khi phối hợp sản phẩm Ascorbic Acid với sản phẩm Niacinamide thì có phải là pH tốt để Niacinamide Ascorbate thấm vào da? chúng ta chưa có dữ liệu.
  • Cũng trong các bài viết và video đó, các bạn ấy có lập luận rằng khi càng vào sâu trong da, nồng độ Ascorbic Acid và Niacinamide tự do càng thấp, sẽ khiến cho cân bằng dịch chuyển về phía phân ly tạo ra nhiều Ascorbic Acid và Niacinamide tự do hơn. Tiến thấy điều này chưa thuyết phục, vì muốn cân bằng dịch chuyển về phía tạo ra thêm Ascorbic Acid và Niacinamide thì nồng độ phức chất Niacinamide Ascorbate phải cao hơn nồng độ của Ascorbic Acid và Niacinamide tự do, nghĩa là phức chất Niacinamide Ascorbate phải có khả năng thấm nhanh hơn và sâu hơn Ascorbic Acid và Niacinamide tự do thì sự chênh lệch nồng độ đó mới xảy ra được. Nhưng dựa vào đâu mà mình có thể khẳng định là phức chất Niacinamide Ascorbate có khả năng thấm nhanh hơn và sâu hơn???
  • Các bạn còn bảo rằng, có nghiên cứu chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate giúp vitamin C chống lại sự oxy hoá của chính bản thân nó. Đó là nghiên cứu được thực hiện bởi HSU HC, CHEN CY đăng trên tạp chí Dược học Đài Loan năm 1978. Tuy nhiên, vào tháng 03 năm 1985, trên tạp chí của trường đại học Y Đài Bắc, số 14, đã có nghiên cứu chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate bị phân huỷ nhanh hơn L-ascorbic acid đơn lẻ trong dung dịch. Tiến chụp lại trang sách đó cho mọi người tham khảo (bên dưới). Vậy liệu rằng 2 nghiên cứu này có mâu thuẫn không? Nếu suy nghĩ kĩ thì không. Vì nghiên cứu năm 1978 của Đài Loan chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate chống lại sự oxy hoá của gốc Ascorbic Acid trong phức chất, chứ không chống lại sự oxy hoá của Ascorbic Acid tự do trong dung dịch. Lúc này, với sự có mặt của Niacinamide tự do, Ascorbic Acid tự do sẽ bị phân huỷ nhanh hơn, và mất đi (Tiến đã chứng minh ở mục 2), sẽ khiến cho cân bằng dịch chuyển, phức chất Niacinamide Ascorbate sẽ bị thuỷ phân tạo ra Niacinamide và Ascorbic Acid tự do để bù lại lượng đã mất. Và cứ như thế, khi Ascorbic Acid tự do bị Niacinamide làm cho phân huỷ nhanh, thì phức Niacinamide Ascorbate cũng bị phân ly ra và mất tác dụng bảo vệ đối với gốc Ascorbic Acid.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?

TÓM LẠI VÀ KẾT LUẬN

  • Việc sử dụng phối hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và NA:
    • Có khả năng làm giảm sự thấm của Ascorbic Acid
    • Làm tăng tốc độ phân huỷ của Ascorbic Acid
    • Không đủ dữ liệu để chứng minh là Ascorbic Acid và Niacinamide vẫn đảm bảo hoạt tính và hoạt lực
    • Có nguy cơ tạo ra chất có hại gây lão hoá da.
  • Hầu hết tất cả những nghiên cứu bên trên đều là các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và xảy ra trong các dụng cụ thí nghiệm, chứ không phải nghiên cứu trên con người. Tất nhiên, các phản ứng hoá học xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm trên làn da con người sẽ còn chịu nhiều yếu tố tác động như các men chuyển hoá trên da; hệ vi sinh trên da; tình trạng sinh lý và sinh lý bệnh của làn da; các nghiên cứu chỉ nghiên cứu về sự tạo phức và phân ly trong môi trường nước và cồn, nhưng thực tế trong mỹ phẩm còn có các dung môi khác như propylene glycol, butylene glycol, glycerin, pentylene glycol, v.v… ; sự hiện diện và cường độ của tia UV trong nhà cũng không giống như điều kiện thí nghiệm; chưa kể tới việc Ascorbic Acid hoặc Niacinamide có thể tạo 1 phức hoặc 1 muối nào đó bền hơn với 1 chất khác trong hỗn hợp nên sẽ không thể tương tác với nhau, ; v.v… Có rất rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.
  • TUY NHIÊN, cho đến thời điểm hiện tại, Tiến vẫn giữ quan điểm là KHÔNG NÊN phối hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và sản phẩm chứa Niacinamide lên cùng 1 lần skincare, cho tới khi nào có nghiên cứu thực hiện trực tiếp trên da người chứng minh những điều ngược lại với những gì đã nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đã tốn tiền và tốn thời gian skincare, tại sao phải chấp nhận rủi ro kết hợp khi mà sự kết hợp đó chưa được chứng minh là an toàn và lợi ích??? Tất nhiên, Tiến chỉ đóng vai trò là người cung cấp thông tin, còn quyết định như thế nào là hoàn toàn ở các bạn.

Chúc cả nhà mình luôn xinh đẹp. ^^

Nicotinamidase có trên da người hay không?

Liên quan đến việc thuỷ phân của niacinamide thành nicotinic acid, những ngày qua đã có nhiều tranh cãi vì đã có thí nghiệm chứng minh “Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút.” (theo Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661). Vậy liệu có chút cơ hội hay khả năng nào để phản ứng thuỷ phân này xảy ra trên da người khi sử dụng các mỹ phẩm skincare hay không?

Như ở bài viết đầu tiên Tiến đã có phân tích và chứng minh, các phản ứng hoá học xảy ra trên/trong cơ thể người có thể không cần điều kiện khắc nghiệt như phản ứng trong ống nghiệm. Và nếu xét cụ thể ở trên làn da thì điều này vẫn đúng vì làn da có chức năng chuyển hoá chất bôi ngoài, nhờ vào hệ vi sinh trên da và hệ men chuyển hoá.

Trong bài viết trước, Tiến đã phân tích khá rõ chức năng chuyển hoá của da thông qua hệ men chuyển hoá (enzyme), nhưng có lẽ vẫn còn nhiều bạn thắc mắc tại sao Tiến lại đưa ví dụ về thí nghiệm chuyển hoá arbutin trên 2 loại vi khuẩn là Staphylococcus epidermis (S. epidermis) và Staphylococcus aureus (S. aureus), nó có liên quan gì đến chuyển hoá niacinamide thành nicotinic acid mà đưa vào bài viết như vậy? Chút nữa Tiến cũng sẽ làm rõ điều này nhé.

Quay trở lại với chủ đề chính, men nicotinamidase có trên da người hay không?

  • Nicotinamidase là men thuỷ phân đặc hiệu niacinamide thành nicotinic acid.
  • Lướt 1 vòng các diễn đàn trong những ngày qua, Tiến thấy các bạn đam mê skincare có nói rằng men nicotinamidase  không có trong cơ thể người, mà chỉ mới được tìm thấy ở các loài vi khuẩn, vi nấm. Điều này không sai. Nếu phân tích cụ thể trên bối cảnh là làn da, thì cho tới hiện tại chưa có chứng cứ hay bài viết khoa học nào khẳng định là làn da có thể tạo ra nicotinamidase cả. Nhưng chúng ta đừng quên, trên da là cả 1 hệ vi sinh, và các vi sinh này có nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase. Và đây cũng chính là lý do tại sao bài viết đầu tiên Tiến lại nhắc đến chức năng chuyển hoá của da thông qua hệ vi sinh vật và đưa ra thí nghiệm về S. epidermis và S. aureus để làm ví dụ.

Vậy việc của Tiến cần làm tiếp theo trong bài viết này chính là chứng minh (1) S. epidermis và S. aureus có hiện diện trên da người, và (2) S. epidermis và S. aureus có men nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase.

(1) Chứng minh S. epidermis và S. aureus có hiện diện trên da người.

  • Theo Tạp chí Da liễu Thẩm Mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology) số 7, xuất bản năm 2008 bởi Wiley Periodicals Inc., trang 189, thì Staphylococcus epidermis và Staphylococcus aureus thường trú phổ biến trên da.
  • Theo quyển sách Vi sinh Y học (Medical Microbiology, 4th edition), chương 6: Normal Flora, của tác giả Charles Patrick Davis, trường đại học Texas (University of Texas), có liệt kê S. epidermis và S. aureus trong hệ vi sinh bình thường của da (normal skin flora)

 

(2) Chứng minh S. epidermis và S. aureus có men nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase.

  • Trong một bài báo được xuất bản bởi Hiệp hội vi sinh Hoa Kỳ (American Society of Microbiology) vào tháng 08 năm 2020, nicotinamidase là 1 trong 63  loại protein được liệt kê khi phân tích bộ gen của Staphylococcus aureus chủng đột biến và chủng tự nhiên. (Cái bảng liệt kê rất dài nên Tiến chỉ chụp tới đoạn có nicotinamidase thôi nhé.)
  • Trong bài bảo vệ luận án tiến sĩ của Xizhang Zhao năm 2017 ở trường đại học Liverpool (University of Liverpool), khi phân tích bộ gene của Staphyloccocus epidermis cũng phát hiện một protein giống nicotinamidase (nicotinamidase-like protein) (bảng cũng rất rất dài nên Tiến chỉ chụp đoạn có protein này)
  • S. epirdermis có protein giống với nicotinamidase vậy liệu rằng có có tác dụng của nicotinamidase hay không? Hai tác giả Hughes và Williamsom của trường đại học Sheffield đã tiến hành thí nghiệm thuỷ phân niacinamide thành nicotinic acid với các chủng vi khuẩn khác nhau được nuôi trong khoảng 16 đến 24 giờ trong môi trường phù hợp, sau đó thu thập, rửa và treo trong dung dịch nước muối để thu 5 – 20 mg khối lượng khô /ml. Kết quả được đo bằng lượng micromol NH3 sinh ra / mg khối lượng khô / giờ (vì phản ứng thuỷ phân niacinamide cho ra sản phẩm là nicotinic acid và NH3). Kết quả tốc độ tối đa và tối thiểu được đo trên ít nhất 3 lô khác nhau. Mọi người nhìn vào bảng kết quả sẽ thấy Staphylococcus albus có tốc độ thuỷ phân niacinamide khá cao so với các chủng khác trong bảng (Staphylococcus albus chính là tên gọi khác của Staphylococcus epidermis).
  • Ở đây, Tiến sẽ đưa tài liệu để chứng minh Staphylococcus albus là tên gọi khác của Staphylococcus epidermis. Theo tạp chí GMS Hygiene and Infection Control (2014), số 9(3), có đề cập gọi của Staphylococcus epidermis qua các mốc thời gian khác nhau. Tiến copy và paste nguyên văn ở đây cho mọi người tham khảo vì trong bài báo nó nằm 2 cột khác nhau nên khó chụp.

Rosenbach in 1884 named the Cocci which produced white colonies on blood agar plates as Staphylococcus albus, thereafter in 1891 Staphylococcus epidermidis albus, in 1908 Albococcus epidermidis and Staphylococcus epidermidis in 1916 were used by Welch et al. [2].

 

Vậy chốt lại sau 03 bài viết, phản ứng thuỷ phân niacinamide thành nicotinic acid vẫn có khả năng xảy ra trên da người, dù rằng tỉ lệ này có thể không cao và không phải lúc nào cũng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng trên làn da chúng ta khi sử dụng các sản phẩm skincare, nhưng việc lưu tâm và cẩn thận khi sử dụng phối hợp các sản phẩm chứa niacinamide nồng độ cao với các sản phẩm có pH thấp là cần thiết, đặc biệt là ở những người mới phối hợp lần đầu, hoặc trên da đang có tổn thương. Tiến copy và paste lại lời khuyên mà Tiến đã viết ở bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết này.

– Vậy lời khuyên của Tiến nếu các bạn muốn kết hợp sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Nia thì phải cẩn trọng như nào?

  • Dùng sản phẩm BHA và sản phẩm Nia của cùng 1 brand và theo đúng khuyến cáo của brand đó.
  • Nếu dùng 2 sản phẩm khác brand thì cần chú ý độ pH của sản phẩm chứa BHA: nếu pH của sản phẩm BHA thấp hơn 4 thì nên chờ 30 phút cho BHA tự trung hoà rồi hả bôi thêm sản phẩm chứa Nia lên và nên bắt đầu với nồng độ Nia thấp; nếu pH của sản phẩm BHA từ 4 trở lên, có thể sử dụng sản phẩm Nia liền ngay sau đó.
  • 2 lời khuyên trên chỉ dành cho làn da khoẻ mạnh. Đối với các làn da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém, có vết thương, v.v… cần được thăm khám và tư vấn routine sử dụng bởi người có chuyên môn.

Mục đích của bài viết này không nhằm làm các bạn thêm hoang mang trong việc sử dụng BHA và niacinamide, mà là cung cấp thêm 1 góc nhìn và hướng dẫn các bạn cách sử dụng kết hợp 2 thành phần này sao cho hiệu quả và an toàn nhất. Cẩn tắc vô áy náy mà, đặc biệt là với sắc đẹp và sức khoẻ của mình, đúng không?  ^^

CHÚC CẢ NHÀ MÌNH LUÔN KHOẺ VÀ ĐẸP AN TOÀN.

 

Phản hồi các thắc mắc về Niacinamide/Nicotinic Acid (ngày 01/07/2021)

Thiệt là khổ quá mà. Cái status mà Tiến đăng ngày hôm qua chỉ là 1 cái tus yêu cầu bạn cung cấp dẫn chứng khoa học cho những thông tin mà bạn nêu ra trong bài phản biện của bạn, chứ Tiến có phản biện hay chứng minh bất cứ điều gì trong đó đâu mà bạn cũng bắt bẻ là Tiến không cung cấp thông tin số liệu, dẫn chứng cụ thể. Còn bài viết chính thức của Tiến trước đó cung cấp đầy đủ dẫn chứng, chụp hình từng quyển sách trang sách, screenshot lại từng bài báo cáo khoa học thì bạn bảo “Phản biện ngắn thôi nhóe, nói ít thôi, nói nhiều chạy loanh quanh.”

Thôi, không nói ngoài lề nữa. Mình đi vào nội dung chính nhé. Tiến sẽ phản hồi và cung cấp minh chứng cụ thể cho những sai sót trong lập luận cũng như những thông tin mà bạn đưa ra, cũng như sẽ trả lời những thắc mắc của bạn trong 2 bài bạn viết gần đây.

1. Bạn nói rằng bs Mạnh chỉ có 1 case lâm sàng bị tai biến, còn bạn có hàng trăm case uống niaciamide không bị flushing. Vậy cái nào đang tin cậy hơn? Tiến nghĩ mình cần phân tích rõ hơn về phương pháp tư duy.

  • Chỉ cần 1 case bị tai biến thì mình đã có cơ sở để khuyên mọi người cẩn thận, vì dù ít dù nhiều, dù tỉ lệ rủi ro cao hay thấp, thì tai biến cũng có thể xảy ra. Nên, hãy cẩn thận là trên hết.
  • Nhưng cho dù bạn có 100 case, hay 1000 case lâm sàng uống niacinamide không bị flushing thì cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng flushing sẽ không xảy ra với bất kì ai dùng niacinamide.

2. “Ngoại suy” là một kĩ năng cần thiết trong quá trình làm nghiên cứu khoa học. và hầu như tất cả các bài bào khoa học, sau khi công bố kết quả thí nghiệm, các tác giả đều phải đưa ra lập luận và suy luận của mình để kết luận về kết quả. Điều này là đúng đắn và cần thiết. Tiến chưa bao giờ chỉ trích việc bạn suy luận dựa trên các thông tin đã được kiểm chứng hết. Tuy nhiên, việc bạn dùng lý luận rằng uống nicotinic acid (niacin) thì bị flushing, còn uống nicotinamide thì không bị flushing để suy luận về sự chuyển hoá của nicotinamide thành niacin trong cơ thể, thực sự có vấn đề về cả phương pháp tư duy lẫn tính chính xác của thông tin ban đầu.

  • Vần đề trong phương thức tư duy: flushing là tác dụng phụ của việc uống niacin, chứ không phải tác dụng chính và không xảy ra ở tất cả mọi người. Nên việc lấy tác dụng flushing để xem xét sự hiện diện của niacin là không chính xác, vì có nhiều người vẫn uống niacin mà có bị flushing đâu nè. Giờ Tiến đưa ra minh chứng cho 2 ý nhỏ của mình: flushing là tác dụng phụ, và flushing không xảy ra ở tất cả mọi người uống niacin.
    • Theo Tạp chí Quốc tế về Thực hành Lâm Sàng (Internation Journal of Clinical Practice, phát hành tháng 09 năm 2009, số 63(9), trang 1369, có đề cập flushing là 1 tác dụng phụ phổ biến của niacin.
    • Theo Tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ (The American Journal of Medicine, số 99, trang 379), chỉ có 18 người bị flushing trong số 63 người sử dụng acid nicotinic (niacin)
  • Thông tin đưa ra chưa chính xác: bạn nói rằng uống nicotinamide không bị flushing, và yêu cầu Tiến tìm ca lâm sàng nào uống nicotiniamide bị flushing để gửi bạn xem. Tiến xin phép gửi 3 bài báo chứng minh uống nicotinamide có gây flushing, trong đó có 1 bài liệt kê flushing là tác dụng phụ khi uống nicotinamide, và 2 bài là nghiên cứu trực tiếp trên bệnh nhân uống nicotinamide và bị flushing trong thời gian sử dụng.
    • Theo Tạp chí Diabetologia (2000) số 43, tại trang 1341 có thống kê về các tác dụng phụ khi uống niaciamide, và flushing là tác dụng phụ được liệt kê đầu tiên trong bảng này.
    • Theo quyển Acta Oncologica của nhà xuất bản Taylor & Francis, số 35 (2),  tại trang 214, có bảng thống kê thí nghiệm trên 6 người dùng niacinamide thì có 1 người bị flushing nghiêm trọng (severe flushing).
    • Theo công bố của tiến sĩ Frank Bures trên Tạp chí của Viện Hàn Lâm Da Liễu Hoa Kỳ, trong số 8 bệnh nhân gặp tác dụng phu khi sử dụng niacinamide, có 3 bệnh nhân là bị flushing.

3. Trong bài phản biện của bạn, bạn có screenshot lại 1 đoạn trong bài báo khẳng định là “chưa có chứng cứ chứng minh sự chuyển hoá nicotinamide thành nicotinic acid trong cơ thể người và loài gậm nhắm“. Điều đáng nói là, bài báo này của bạn lại đưa ra khẳng định đó dựa trên việc tham khảo thông tin và kết luận của 1 bài báo khác xuất bản năm 1995, tức là hơn 25 năm về trước. Hichic. Bạn ơi, từ sau 1995 đến nay, có nhiều thông tin và thí nghiệm thực tế trên cơ thể người chứng minh có sự chuyển hoá nicotinamide thành nicotinic acid lắm rồi bạn ạ. Tiến xin đưa ra 3 bài minh chứng dưới đây.

  •  Trong Tạp chí Spychosomatics, số 8(2), trang 96, tiến sĩ bác sĩ A. Hofer có đưa ra sơ đồ chuyển hoá của niacinamide và nicotinic acid. Các bạn có thể thấy, NAM (niacinamide) có thể chuyển hoá thành NAC (nicotinic acid) và con đường chuyển hoá này bị ảnh hưởng bởi tuyến yên khi có tác động của stress.
  • Trong một thí nghiệm được đăng tải trên Tạp chí Ung Thư Anh Quốc (British Journal of Cancer), số 74 tại trang 19, các bệnh nhân uống 3g nicotinamide thì chỉ sau mấy mươi phút, đã có nicotinic acid xuất hiện trong nước bọt của họ.
  • Tác giả là Joseph Dipalma, khoa Dược lý & Hoá Sinh của Trường đại học Hahneman đã từng công bố trên Tạp chí Annual Review về lượng nicotinic acid bị thảo thải qua nước tiểu khi sử dụng niacinamide đường uống.

4. Trích dẫn nguyên văn của bạn trong bài phản biện: “Ờm bên trên thì anh đòi khoa học trong khi bài anh viết chả có số liệu cụ thể nào: ‘chỉ cần một lượng rất nhỏ’, ‘nhanh gấp nhiều lần’? Lượng nhỏ là nhiêu, nhiều là nhiều tn hở anh? Là 1p hay 30p hay 5 giờ hay 75 giờ?

  • Bạn ơi, như Tiến đã nói, cái status chỉ là cái status yêu cầu bạn cung cấp tài liệu dẫn chứng cho các thông tin mà bạn đưa ra, chứ không phải là bài phản hồi hay phản biện gì của Tiến hết. Vậy mà bạn cũng bắt bẻ Tiến không cung cấp số liệu. Bạn xem lại đi, các bài tổng hợp và phản biện của Tiến đều cung cấp và dẫn chứng rất nhiều nguồn tài liệu tin cậy từ các nghiên cứu và báo cáo hết á.
  • Tiến quan niệm là, Tiến và các bạn có thể không cùng ngành học đại học, nên hầu hết các kiến thức chuyên ngành Tiến đều cố gắng giải thích và dẫn chứng cụ thể để người trong và ngoài ngành đều có thể hiểu và tin được. Nhưng mà, 12 năm học phổ thông tụi mình đều học như nhau mà, giờ các kiến thức phổ thông về enzyme và chất xúc tác (học năm lớp 8, lớp 9) mà các bạn cũng bắt Tiến chứng minh lại thì liệu có quá đáng lắm không??? Nhưng OK, các bạn đòi thì Tiến cũng sẽ cung cấp dẫn chứng.
    • Về việc, chất xúc tác chỉ cần 1 lượng rất nhỏ. Các bạn chế giễu, cười cợt Tiến, nói rằng làm khoa học mà mở miệng ra “1 lượng rất nhỏ là sao? rất nhỏ là bao nhiêu?”. Tiến xin dẫn chứng các nguồn dưới đây, các nhà khoa học khác cũng dùng từ một lượng rất nhỏ y như vậy.
      • Trang BBC.co.uk cũng dùng từ lượng rất nhỏ (very small amount) và lượng lớn chất phản ứng (large amount of reactants) nè các bạn. ^^
      • Hay theo tác giả Richard Pagni dẫn trích ra từ quyển Chemistry in The Community (2nd Edition), cũng dùng từ lượng nhỏ (small amount).
      • Hay theo quyển National Academy of Sciences (xuất bản năm 2012), cũng nói rằng một lượng rất nhỏ chất xúc tác có thể tạo thành nhiều mol sản phẩm với tốc độ phản ứng rất cao (họ cũng dùng từ rất nhỏ, nhiều và rất cao đấy ạ) ^^
    • Về việc Tiến nói “nhanh gấp nhiều lần” các bạn cũng không chấp nhận và hỏi nhiều là nhiều như nào. Tiến xin đưa ra câu trả lời và dẫn chứng cụ thể.
      • Theo giáo trình Hoá Sinh (BioChemistry, 5th edition) của tiến sĩ Richard A. Harvey và tiến sĩ Denise R. Ferrier, trang 54, phản ứng có enzyme xúc tác sẽ nhanh hơn từ 1000 lần đến 100 triệu lần. Vậy đủ nhanh chưa ạ? ^^
      • Tiến dẫn lại kết quả nghiên cứu mà Tiến đã đề cập trong bài viết trước: Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).

5. Trích dẫn nguyên văn của bạn: “Anh nói đúng, không phải trên da giống ống nghiệm nhưng tôi chưa mù, anh lấy thí nghiệm về arbutin trong ấm với khuẩn chứ cũng có phải trên da đâu mà hệ sinh thái với cả trên da?

  • Bạn ơi, tác dụng chuyển hoá của da nhờ vào hệ vi sinh là do tác giả kết luận sau khi tiến hành thí nghiệm đó, chứ hông phải kết luận chủ quan của Tiến. Tiến chỉ trích dẫn nghiên cứu và kết luận của tác giả cho các bạn đọc mà thôi ạ. Tiến gửi bằng chứng ạ.
    • Tại trang 192 của Tạp chí da liễu thẩm mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology, số 7, được xuất bản bở Wiley Periodicals Inc. năm 2008), tác giả có ngoại suy ra kết quả sau: “These findings suggest that arbutin may be partially hydrolyzed to hydroquinone by normal skin microflora, and that skin lightening may be due to arbutin itself as well as its metabolite hydroquinone.” (do cái này nằm trên 2 cột, 1 cái cuối cột dưới, 1 cái đầu cột trên nên Tiến ko screenshot được mà copy paste cho mọi người xem nguyên văn)
  • Ngoài ra, cũng có nghiên cứu khác nói về tác dụng chuyển hoá của hệ vi sinh trên da. Tiến cũng dẫn thêm ra đây để cho bạn tham khảo luôn.
    • Theo Tạp chí Dược lý Da và Sinh lý Da ứng dụng (2001) số 14, trang 201, hệ vi sinh trên da có thể chuyển hoá các thuốc bôi ngoài da.

6. Nói tiếp về vấn đề độ bền của liên kết amide: các bạn dẫn ra 1 vài trang web và blog cá nhân khẳng định rằng liên kết amide là liên kết bền. Tiến không hề phản đối, và chưa bao giờ nói các bạn sai khi nói liên kết amide là liên kết bền. Tuy nhiên, Tiến cũng dẫn ra được 2 quyển sách Hoá Dược chuyên ngành của 2 nhà xuất bản uy tín thế giới, liệt kê liên kết amide vào nhóm các liên kết dễ bị thuỷ phân và cần chú ý khi bào chế hay sử dụng thuốc. (các bạn có thể tham khảo link bài viết trước ở đây http://duocsitien.vn/nen-ket-hop-niacinamide-va-bha-khong/ )

  • Các bạn ơi, Tiến tôn trọng lập trường và quan điểm của các bạn dưới góc nhìn của 1 nhà hoá học, xem niacinamide là 1 hoá chất thông thường như bao hoá chất thông thường khác. Nên Tiến cũng mong các bạn tôn trọng quan điểm và lập trường của Tiến dưới góc nhìn của 1 người làm y khoa, xem niacinamide là 1 hoạt chất chính và ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng. Đừng dùng thái độ giễu cợt, cười nhạo, hay xúc xiểm bằng những lời nhạo báng kiểu như “ông này chắc học dốt hoá hữu cơ”, “ổng mà biết đọc thành phần chắc sẽ không nói vậy”, “không biết hồi đó ai dạy hoá cho ông này”, “ngộ dị, một chất bền từ bên hoá mà qua bên y lại thành kém bền”, “học ít rất dễ bị dắt mũi”, .v.v… khi người ta có góc nhìn khác, không cùng ngành nghề và không cùng quan điểm với mình. Chẳng phải từ nhỏ chúng ta đã luôn được dạy rằng, bất kì ngành nghề nào trong xã hội cũng đáng được tôn trọng hay sao?
  • Tiến giải thích thêm về việc tại sao trong hoá hữu cơ thì amide là liên kết bền, còn qua tới hoá dược lại kém bền.
    • Tiến dẫn lại kết quả nghiên cứu mà Tiến đã đề cập trong bài viết trước: Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).
    • Đun nóng ở gần 90 độ C mà mất tận 1000 ngày mới chỉ thuỷ phân được 1 nửa lượng niacinamide, cho nên các bạn nói rằng liên kết amide này bền là hoàn toàn đúng. Nhưng các bạn ơi, ngay cả đang ở pH tối ưu thì 1000 ngày thí nghiệm trong phòng lab là dài, nhưng 1000 ngày nằm trong sản phẩm với vai trò là hoạt chất thì vẫn còn ngắn lắm. 1000 ngày còn chưa tới được 03 năm, nghĩa là từ lúc sản xuất ra sản phẩm cho tới lúc vẫn chưa hết hạn dùng mà nồng độ hoạt chất đã thuyên giảm đáng kể rồi. Nhắc lại trong bối cảnh dược phẩm, nếu trong thời gian nằm trên kệ (trước khi hết hạn), thanh tra y tế mang sản phẩm ra kiểm nghiệm mà hàm lượng hoạt chất rớt xuống thấp hơn 95% so với hàm lượng công bố trên nhãn, thì sản phẩm sẽ bị đánh giá là không đạt chất lượng, sẽ bị Cục Quản Lý Dược rút phiếu công bố và ra công văn yêu cầu thu hồi trên toàn quốc và mang đi tiêu huỷ. Các bạn có tưởng được là điều này sẽ gây thiệt hại khủng khiếp như thế nào tới brand hay không? và chưa kể, ảnh hưởng to lớn của nó tới sức khoẻ người dùng trong thời gian nó lưu hành trên thị trường trước khi bị thu hồi hay không? Vậy nếu ngành khoa học về sức khoẻ mà không đưa ra những tiêu chí gắt gao hơn trong việc đánh giá xếp loại độ bền của hoạt chất, thì thiệt hại không chỉ là tiền, mà còn là tính mạng con người, các bạn ạ. Vậy nếu vì tính mạng con người, ngành hoá dược xếp liên kết amide thành liên kết kém bền để các y bác sĩ, dược sĩ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng cho bệnh nhân hay lưu tâm tới điều kiện tối ưu trong bào chế sản phẩm, vậy là đúng hay sai? Và có đáng nhận những lời sỉ vả, xúc xiểm của các bạn hay không?
    • Yesssss, các bạn là người tiêu dùng, các bạn chỉ quan tâm 30 phút hoạt chất nằm trên da. Nhưng tụi Tiến là những người làm y khoa, tụi Tiến quan tâm đến 3 năm nằm trên kệ, trước khi tới tay người dùng. Chúng ta không ai sai cả, chỉ đơn giản là khác góc nhìn.
  • Bạn có vẻ hiểu sai về ý của Tiến khi đề cập tới vấn đề sản phẩm hết date. Tiến không nói là các bạn bôi sản phẩm hết date lên mặt, mà Tiến đang nói là khi hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm giảm xuống dưới 95% hàm lượng ghi trên nhãn, thì sản phẩm bị xem là hết date. Các bạn có bao giờ thắc mắc là tại sao 1 sản phẩm mới sản xuất lần đầu, mới ra lò có mấy ngày, chưa biết thế nào mà nhà sản xuất họ dám in hạn sử dụng lên sản phẩm không ạ? Bởi vì trong ngành Dược có 1 phương pháp gọi là lão hoá cấp tốc. Người ta sẽ cho sản phẩm trải qua lão hoá cấp tốc và rút sản phẩm ra định lượng sau những khoảng thời gian nhất định, tương ứng với quy đổi ra thời gian thực tế khi nằm trên kệ ở điều kiện bình thường. Khi nào mẫu định lượng hoạt chất cho kết quả dưới 95% thì thời điểm đó sẽ được tính là thời điểm sản phẩm hết hạn dùng. Đây là thông tin Tiến cung cấp thêm cho các bạn tham khảo thôi, chứ không liên quan tới vấn đề phản biện, nên đừng bắt Tiến cung cấp dẫn chứng rồi giải thích này nọ nhé. Tiến bị áp lực thật sự, giờ viết cái này còn hơn là soạn bài giảng đi dạy cho sinh viên Dược đại học nữa. Khổ tâm dã man á ^^~.

7. Về vấn đề hoạt tính của enzyme, Tiến xin cap lại 1 đoạn của các bạn như sau:

Về vấn đề này, Tiến xin lỗi các bạn. Tiến hiểu nhầm ý các bạn, tưởng các bạn nói là biến tính và bất hoạt enzyme. Nhưng nếu các bạn chỉ nói là giảm hiệu suất enzyme thì Tiến hoàn toàn đồng tình ạ. VÀ YESSSSS, hoạt tính enzyme bị giảm, nhưng khi có mặt enzyme thì phản ứng vẫn sẽ nhanh hơn khi không có mặt enzyme, dù rằng hoạt tính enzyme đã giảm, đúng không?

8. Về vấn đề các bạn yêu cầu Tiến cung cấp số liệu chính xác là ở pH = 2.5, với sự xúc tác của enzyme thì tốc độ thuỷ phân của niacinamide là bao nhiêu và giải phóng ra bao nhiêu niacin trong vòng 30 phút?

  • Tiến thấy tụi mình đang làm việc bị sai quy trình á. Lúc đầu, các bạn bảo là có thí nghiệm thực hiện đun nóng 90 độ C trong 3 ngày ở pH thấp thì mới thuỷ phân được niacinamide, từ đó nói rằng da mặt mình đun lên 90 độ cho chín luôn thì mới có nicotinic acid tạo thành, các bạn bảo Tiến cung cấp minh chứng là trên da có men gì thuỷ phân niacinamide đi sau khi Tiến đăng tus nói về enzyme trên trang cá nhân của Tiến. Nhận được đề nghị đó, Tiến mới viết bài tổng hợp để đề cập đến vấn đề điều kiện đó là điều kiện trong ống nghiệm, còn trên da chúng ta có hệ vi sinh và hệ men nên phản ứng có thể xảy ra mà không cần điều kiện khắc nghiệt như vậy, cụ thể Tiến đã chứng minh luôn làn da có chức năng thuỷ phân, và chứng minh được lớp biểu bì có hoạt tính amidase (mà amidase là men thuỷ phân liên kết amide, và niacinamide chứa liên kết amide này). Xong, cái tự nhiên mấy bạn bắt Tiến cung cấp số liệu? Ủa, alo, cái gì ngộ vậy. Lẽ ra lúc này là tới phiên các bạn phản biện bằng cách chứng minh “niacinamide không thể bị thuỷ phân trên da” hoặc “lượng niacin sinh ra trên da không đủ để gây giãn mạch” chứ. Chừng nào các bạn phản biện được và chứng minh được đi thì mới tới phiên Tiến đưa ra bằng chứng về tốc độ thuỷ phân niacinamide để phản biện lại các bạn chứ nhỉ. Tại sao lúc nào cũng là Tiến phải cung cấp bằng chứng. Bạn phản biện thì bạn có trách nhiệm tự chứng minh điều mình nói, chứ hông phải đổ dồn cái trách nhiệm đó lên người Tiến. Rõ ràng, bài phản biện trước của các bạn rất hời hợt, tự đưa thông tin mà không dẫn nguồn, không chứng minh. Sau khi bị Tiến nhắc nhở thì mới chụp được vài cái bằng chứng, nhưng rồi cũng chỉ là những thông tin sai lệch và lạc hậu đến tận 25 năm ( như đã đề cập và chứng minh ở mục 1,2,3,4,5 bài viết này), rồi kể cả những kiến thức khoa học phổ thông từ năm lớp 8 lớp 9 mà các bạn cũng bắt Tiến phải chứng minh lại, và giễu cợt Tiến bằng cái giọng điệu “làm khoa học và vậy đó hả?”. Thiệt sự, Tiến dần cảm thấy bất lực và mệt mỏi trước cuộc thảo luận sai quy trình và không cân sức này.
  • Mà nói nghe nè mấy bạn, mình xem lại mục đích của bài viết tí đi. Mục đích của Tiến khi viết bài tổng hợp vừa rồi là để đưa ra cái kết luận và lời khuyên khi sử dụng kết hợp niacinamide và BHA. Và Tiến nghĩ, khi Tiến đưa ra thông tin và chứng minh về các men, là đã đủ cơ sở để nói phản ứng thuỷ phân niacinamide có thể xảy ra trên da, và từ đó rút ra kết luận là mọi người nên chú ý 1 chút, cẩn thận 1 chút trong việc phối hợp để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra thôi. Ủa, vậy thì nhiêu đó dữ liệu đã đủ đạt được mục đích đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng rồi, còn đưa thêm tốc độ chuyển hoá abcd này nọ để làm chi? Tiến đâu có trách nhiệm thoả mãn và giải đáp hết tất cả thắc mắc của mọi người trong vũ trụ. Mà giờ kêu Tiến cung cấp “số liệu chính xác là ở pH = 2.5, với sự xúc tác của enzyme thì tốc độ thuỷ phân của niacinamide là bao nhiêu và giải phóng ra bao nhiêu niacin trong vòng 30 phút” thì số liệu ở đâu ra mà Tiến cung cấp? Các nhà nghiên cứu dược học họ chỉ nghiên cứu về tốc độ chuyển hoá trên da của prodrug, tức là từ 1 chất không có hoạt tính sẽ nhờ hệ men trên da chuyển thành chất có hoạt tính (Tiến có thông tin từng lớp da chuyển hoá  số prodrug với tốc độ cụ thể bao nhiêu micromol/cm2 da/giờ luôn, nhưng không có của niacinamide vì niacinamide chưa được công nhận là prodrug trên da) , chứ người ta đâu có rảnh mà đi nghiên cứu chính xác chi li vô cái trường hợp pH=2.5 chuyển niacinamide thành nicotinic acid khi mà chuyển hoá này không quá phổ biến và không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khoẻ. Có thể các brand dược mỹ phẩm họ đã có nghiên cứu, nhưng họ không công bố mà chỉ để làm thông tin lưu hành nội bộ để tăng tính cạnh tranh trong công nghệ cho sản phẩm của họ mà thôi. Giống như bây giờ Tiến kêu các bạn tìm nghiên cứu chứng minh là tốc độ thuỷ phân niacinamide thành nicotinic trên da ở pH=2.5 là quá chậm và lượng niacin sinh ra không đủ gây giãn mạch thì các bạn tìm thử coi có nghiên cứu nào hay không? Tới phiên các bạn phản biện mà, thì các bạn có trách nhiệm phải chứng minh để phản biện lại Tiến chứ.
  • Rõ ràng, càng ngày cuộc tranh luận này bị đẩy lên thành cuộc chiến hơn thua và hiếu thắng, mang đầy năng lượng tiêu cực và xúc xiểm cá nhân, chứ không thượng tôn lợi ích của người tiêu dùng nữa, nên Tiến xin phép rút khỏi cuộc tranh luận hơn thua này. Thông tin và các minh chứng cần thiết Tiến đã cung cấp rồi. Kết luận và lời khuyên Tiến cũng đã đưa ra rồi, còn quyết định thế nào là tuỳ ở mỗi người. Làn da và sức khoẻ là của các bạn và không ai thay thế các bạn chịu trách nhiệm được. Tiến chúc các bạn sẽ đọc kĩ, nghĩ kĩ và tự mình đưa ra quyết định sáng suốt nhất để luôn khoẻ và đẹp an toàn.

CHÀO THÂN ÁI, TẠM BIỆT VÀ KẾT THÚC.

 

 

Có nên kết hợp NIACINAMIDE và BHA không???

Đây có lẽ là câu hỏi gây ra khá nhiều tranh cãi mỗi khi nhắc đến, và đặc biệt là chưa có câu trả lời nào có vẻ làm hài lòng hết tất cả những người mộ điệu, đam mê skincare và dành cả thanh xuân để skincare bằng khoa học. Cho nên hôm nay, Tiến dành thời gian để viết một bài tổng hợp về vấn đề này để mọi người cùng có thêm 1 cái nhìn khách quan hơn và có thể tham khảo để tự mình đưa ra quyết định xem là có nên kết hợp Niacinamide và BHA trong cùng 1 lộ trình skincare routine của mình hay không, và nếu kết hợp thì nên kết hợp như thế nào để hạn chế tối đa những rủi ro và tăng cường tối đa những lợi ích mà 2 hoạt chất này mang lại nhé.

 

Để mọi người dễ theo dõi và bài viết đỡ bị luôn tuồn, dài dòng, mênh mang, Tiến sẽ viết bài này theo kiểu Q&A (câu hỏi và câu trả lời), lần lượt giải đáp từng câu hỏi sau đây:

1 – Niacinamide và BHA có tương kỵ với nhau trong skincare không?

2 – Sản phẩm chứa Niacinamide và sản phẩm chứa BHA có tương kỵ nhau không?

3 – Liên kết amide của Niacinamide có kém bền hay không?

4 – Điều kiện nào để phản ứng thuỷ phân Niacinamide xảy ra?

5 – BHA có phải là acid tự trung hoà (self-neutralizing acid) hay không?

6 – vậy chốt lại, có nên kết hợp sản phẩm chứa Niacinamide và sản phẩm chứa BHA trong routine skincare hay không?

 

CÂU 1 – NIACINAMIDE VÀ BHA CÓ KỴ NHAU KHÔNG?

Chắc chắn là KHÔNG. Hai hoạt chất này không tương kỵ với nhau về mặt bào chế, không phản ứng với nhau tạo ra chất độc hại hay làm mất hoạt tính của nhau, cũng không đối nghịch nhau về cơ chế tác động, lại càng không hiệp đồng tác dụng phụ gây bất lợi cho làn da. Chính vì vậy mà thực tế là có rất nhiều hãng đang kết hợp đồng thời cả niacinamide và BHA trong cùng 1 sản phẩm của họ và mang lại rất nhiều lợi ích đáng kể cho làn da (các lợi ích hiệp đồng này sẽ thảo luận ở 1 bài viết khác). Thậm chí, có 1 số hãng sản xuất nguyên liệu công nghệ cao còn kết hợp niacinamide cùng BHA (cụ thể là acid salicylic) với polydextrose và amylopectin để tạo thành phức hợp Oligomer nhằm tăng độ tan của acid salicylic trong nước, giảm tính kích ứng của acid salicylic, giúp sản phẩm tránh đổi màu (ở 50 độ C) và chống hiện tượng vi kết tinh acid salicylic trong quá trình bảo quản (ở 4 độ C) khi soi bằng kính hiển vi X400.

(*Bài viết này không nhằm mục đích PR hay dìm hàng bất kì thương hiệu hay nhãn hàng nào, nên cho Tiến xin phép được giấu hết tất cả các thông tin về brand)

 

CÂU 2 – SẢN PHẨM CHỨA NIACINAMIDE VÀ SẢN PHẨM CHỨA BHA CÓ TƯƠNG KỴ NHAU KHÔNG?

Đây mới chính xác là câu hỏi chúng ta cần phải trả lời. Và để có câu trả lời đầy đủ nhất, Tiến phải tách câu này ra thành 2 câu hỏi nhỏ: “sản phẩm chứa Niacinamide ảnh hưởng đến sản phẩm chứa BHA như thế nào?”“sản phẩm chứ BHA ảnh hưởng đến sản phẩm chứa Niacinamide như thế nào?”

Giả sử chúng ta đang có quy trình chăm sóc da là thoa sản phẩm chứa BHA trước, rồi sau đó sẽ thoa sản phẩm chứa Niacinamide lên sau. Bây giờ Tiến sẽ phân tích và trả lời lần lượt từng câu hỏi nhỏ.

 

* Sản phẩm chứa Niacinamide ảnh hưởng đến sản phẩm chứa BHA như thế nào?

  • Nếu sản phẩm BHA chúng ta dùng là acid salicylic tự do được hoà tan trong nền cồn với pH thấp thì khi chúng ta bôi tiếp 1 lớp sản phẩm chứa Niacinamide (nếu là sản phẩm không chứa cồn và được bào chế ở pH = 4 – 6 tối ưu cho Niacinamide trong quá trình bảo quản để kéo dài shelf life của sản phẩm) thì sẽ có 2 vấn đề có thể xảy ra: (1) vi kết tinh salicylic acid trên da do độ tan của acid salicylic trong nước thấp. (2) làm thay đổi pH thấp được brand thiết kế chuyên biệt từ đầu cho sản phẩm BHA để BHA phát huy tác dụng tốt nhất.
  • Nếu sản phẩm chứa BHA mà chúng ta dùng là dạng BHA trong phức hợp Oligomer (đề cập bên trên) hoặc BHA đã được đồng hoá trong hệ chất mang CAP DMA (thoả mãn chuyên luận gel salicylic của Dược điển Mỹ) thì sản phẩm chứa Niacinamide bôi sau đó hầu như không ảnh hưởng đến sản phẩm BHA (ngoại trừ trường hợp sản phẩm Niacinamide đó có chứa thêm chất gì đó đặc biệt tương kị).

 

* Sản phẩm chứa BHA ảnh hưởng đến sản phẩm chứa Niacinamide như thế nào?

  • Về mặt bào chế: Nếu sản phẩm Niacinamide được tạo gel bằng tá dược carbopol (hay carbomer) thì có thể sẽ bị rã hệ gel khi bôi lên da đã có sử dụng sản phẩm BHA trước đó, vì 2 nguyên nhân sau:
    • (1) hệ gel carbopol là hệ gel được điều chế bằng cách ngâm bột carbopol trong nước, sau đó tạo sệt bằng cách dùng NaOH hoặc TEA để trung hoà về pH tầm 6-7. pH thấp của sản phẩm bôi trước đó (có thể là sản phẩm BHA hay serum vitamin C chẳng hạn) sẽ làm rã ngay hệ gel carbopol này. Điều này cũng thường thấy khi các bạn sử dụng các sản phẩm có tính acid, sau đó dùng các loại kem dưỡng ẩm dạng gel (water-based/gel cream) thì thấy kem cũng bị chảy lỏng và rã hệ chứ không giữ được độ nhớt/sệt như sản phẩm ban đầu.
    • (2) Acid salicylic là acid chuyên phá hệ gel, gây đau đầu cho các nhà bào chế (dễ gây rã hệ gel carbopol, dễ tái kết tinh trong hệ gel xanthan gum hay thậm chí gây tủa vón hệ hyaluronic acid/hydroxyethylcellulose,v.v…). Phải là 1 polymer đặc biệt mới tạo được hệ gel đủ bền để chịu ion, bền trong khoảng pH rộng và chứa nổi acid salicylic (*cái này hơi sâu về bào chế, nào viết bài về bào chế Tiến sẽ nói rõ hơn nhe).

 

  • Về mặt chuyển hoá:
    • Nếu sản phẩm BHA là dạng BHA phức hợp Oligomer và/hoặc sản phẩm BHA có pH thành phẩm từ 4 trở lên, hầu như không gây chuyển hoá hay tương tác gì bất lợi cho hoạt chất Niaciamide được bôi sau đó vì pH trong khoảng từ 4.5 – 6 là pH bào chế tối ưu cho Niacinamide, tốc độ thuỷ phân Niacinamide trong khoảng pH này là chậm nhất: bị thuỷ phân 50%, từ chuyên môn gọi là Thời gian bán huỷ (điều kiện thí nghiệm: đựng trong ampoule 5ml, ngâm trong bể điều nhiệt, khi dùng hệ đệm catechol:catecholate thì không khí trong ampoule được thay bằng khí nitơ) là 1000 ngày ở 89.4 độ C. (theo Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661).
    • Nếu sản phẩm BHA là dạng BHA tự do, được bào chế thành phẩm ở pH thấp (khoảng 2.5 ~ 3.0 chẳng hạn – Đợi khi hết dịch, Tiến sẽ lên phòng LAB lấy máy đo pH đo thử pH của 1 số sản phẩm BHA thông dụng trên thị trường và quay clip lại cho mọi người xem nhé ^^), sẽ có thể xảy ra khả năng 1 phần niacinamide trong sản phẩm sẽ bị thuỷ phân thành nicotinic acid, gây hiện tượng đỏ da, cảm giác nóng, châm chích, giãn mạch dưới da và có thể có sưng nề. Đây cũng là tác dụng chính của acid nicotinic khi được bào chế trong các sản phẩm dưỡng môi nhằm giúp làm môi hồng hào, căng mọng tức thời (thường trong các chế phẩm dưỡng môi sẽ là Methyl Nicotinate, Ethyl Nicotinate, hay Hexyl Nicotinate).

Bây giờ mình cùng phân tích các dữ liệu khoa học 1 tí nhé. Cũng trích ra từ trong Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661, Tiến có 2 bảng kết quả thí nghiệm sau đây:

 

Trong cùng điều kiện thí nghiệm, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (Fig.03) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (Fig.05). Điều này chứng tỏ, pH có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ thuỷ phân của Niacinamide và khoảng pH = 4.5 – 6.0 tối ưu trong bào chế các chế phẩm chứa Niacinamide là hoàn toàn cần thiết. Tới đây, chúng ta chỉ mới kết luận được về sự thuỷ phân của Niacinamide trong điều kiện phòng thí nghiệm, vậy liệu trên da mặt chúng ta, có cần đun tới 90 độ C để sự thuỷ phân này xảy ra hay không? Chút xíu nữa mình sẽ làm rõ thêm bên dưới nhen.

 

CÂU 3 – LIÊN KẾT AMIDE CỦA NIACINAMIDE CÓ KÉM BỀN KHÔNG?

Trước khi đưa tới kết luận của Tiến về độ bền của liên kết amide, Tiến dẫn 1 ví dụ này trước.

– Chúng ta đều biết và đều thường xuyên được nghe nói rằng trái cam rất giàu vitamin C. Do đây chỉ là 1 ví dụ, nên cho phép Tiến lấy nguồn tương đối đơn giản hơn, chính là báo Tuổi Trẻ.

Đúng vậy, chính xác là trái cam rất giàu vitamin C khi chúng ta nhìn nhận nó trên góc độ khoa học dinh dưỡng. Nhưng nếu tính kĩ, 40mg vitamin C trong 100gr cam thì chỉ tương đương với nồng độ 0,04% vitamin C mà thôi. Vậy thì, hàm lượng này là vô cùng vô cùng ít và nghèo nàn nếu nhìn nhận trên khía cạnh khoa học dược mỹ phẩm. Vậy thì thực ra, giàu hay nghèo, nhiều hay ít, là còn do chúng ta nhìn nhận nó từ góc độ của ngành khoa học nào. Đúng không?

Tiến nhớ 1 câu chuyện dí dỏm về nhà khoa học Albert Einstein khi được phóng viên nhờ ông nói ngắn gọn và đơn giản về thuyết tương đối, Ông cười và nói: “Vài cọng tóc trong ly nước thì là nhiều, còn vài cọng tóc trên đầu thì lại vô cùng ít. Thuyết tương đối là như vậy.” ^^

 

Quay trở lại vấn đề chính về độ bền của liên kết amide:

Với thông tin thí nghiệm rằng, ở pH = 2.03, cần khoảng 75 giờ đun nóng ở 89.4 độ C mới thuỷ phân được 50% lượng Niacinamide, nên rất nhiều nhà hoá học cho rằng liên kết amide là liên kết bền. ĐIỀU NÀY HOÀN TOÀN KHÔNG SAI, đặc biệt là trong lĩnh vực hoá học và khi chúng ta nhìn nhận Niacinamide là 1 hoá chất đơn thuần.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận dưới góc độ y khoa, dược học (vì chúng ta đang bàn về dược mỹ phẩm) và xem Niacinamide như 1 hoạt chất chính của sản phẩm thì chỉ cần hàm lượng hoạt chất rớt xuống dưới 95% hàm lượng được công bố trên nhãn thì sản phẩm gọi là không đạt tiêu chuẩn, hoặc hết date (ngta lão hoá cấp tốc rồi định lượng lại hoạt chất để tính ra hạn dùng của sản phẩm). Và nếu 1 dược phẩm mà không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng thì sẽ bị thu hồi trên toàn quốc và tiêu huỷ (theo thông tư số 09/2010/TT-BYT ngày 28/04/2010 của Bộ Y Tế hướng dẫn về việc quản lý chất lượng thuốc).

Và cũng chính vì vậy, trong các sách đào tạo ngành dược, cụ thể là các giáo trình hoá lý dược đều xem liên kết amide là một trong những liên kết kém bền, dễ bị thuỷ phân và cần được lưu tâm. Tiến xin dẫn chứng bằng 2 quyển giáo trình hoá lý dược (do là sách gốc chứ không phải bản PDF nên Tiến chụp lại hình ảnh bằng điện thoại để làm minh chứng nhé).

– Đầu tiên là quyển The Physicochemical Basis of Pharmaceuticals (by Oxford University Press), trang 51, mục 2.7 HYDROLYTIC DEGRADATION, có liệt kê amides là liên kết dễ bị thuỷ phân cùng với esters, epoxides và alkyl halides.

 

– Kế tiếp, là quyển Physicochemical Principles of Pharmacy (xuất bản bởi Pharmaceutical Press), trang 90, mục 3.1 The Chemical Decomposition of Drugs, có liệt kê liên kết amide trong nhóm các liên kết dễ bị thuỷ phân cùng với ester, lactone, lactam, imide.

 

Cho nên là, bạn nào nói liên kết amide rất bền cũng đúng – Đó là khi các bạn nhìn nhận trên góc độ hoá hữu cơ thông thường của 1 nhà hoá học và xem Niacinamide cũng chỉ là 1 loại hoá chất như bao loại hoá chất khác. Còn những người làm y khoa, họ có quyền xem đây là 1 liên kết kém bền vì nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm khi hàm lượng hoạt chất chỉ cần thay đổi 1 xíu xiu, và từ đó, họ cần phải có phương thức bào chế cũng như bảo quản phù hợp để đảm bảo hàm lượng hoạt chất luôn đạt chuẩn trong suốt quá trình shelf life cho tới tay người dùng.

 

CÂU 4 – ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ PHẢN ỨNG THUỶ PHÂN NIACINAMIDE XẢY RA?

Thí nghiệm đã cho kết quả rằng cần phải đun nóng ở 89.4 độ C trong vòng 75 giờ ở pH = 2.03 thì Niacinamide mới thuỷ phân 1 nửa. Vậy da mặt người có cần đun nóng đến ngần ấy độ C để phản ứng thuỷ phân diễn ra hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước nhất chúng ta cần quan tâm tới 1 chức năng đặc biệt của làn da (cái này Tiến cũng sẽ có đề cập trong quyển sách SINH LÝ DA CƠ BẢN mà Tiến sắp xuất bản, hy vọng mọi người sẽ đón đọc, hihi ^^): CHỨC NĂNG CHUYỂN HOÁ.

 

– Đầu tiên nhất, Tiến sẽ chứng minh là làn da có chức năng chuyển hoá trước đã, còn chuyển hoá như thế nào thì sẽ đề cập sau. Theo quyển Basic & Clinical Pharmacology (xuất bản bởi Mc Graw Hill), trang 54, mục WHERE DO DRUGS BIOTRANSFORMATION OCCUR?, có đề cập làn da (the skin) là 1 trong những cơ quan có chức năng chuyển hoá đáng kể bên cạnh lá gan (liver). Hình minh chứng ngay bên dưới.

 

– Vậy rốt cục, làn da thực hiện chức năng chuyển hoá đó bằng cách nào? Bằng hệ vi sinh và hệ men chuyển hoá (enzyme). Tiến sẽ chứng minh từng cái nhé.

  • CHUYỂN HOÁ NHỜ HỆ VI SINH TRÊN DA: Theo Tạp chí Da Liễu Thẩm Mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology), Volume 7, Issue 3, September 2008, trang 189 – 193, những vi sinh phổ biến trên da như Staphylococcus epidermis và Staphylococcus aureus có khả năng thuỷ phân arbutin trên da thành hydroquinone. Kết quả thí nghiệm được thể hiện trên sắc kí đồ của HPLC (sắc kí lỏng hiệu năng cao) như sau:

Chúng ta thấy được rằng chỉ sau 1h ủ arbutin với S. epidermis, lượng arbutin bị thuỷ phân thành hydroquinone gần như hoàn toàn (xem sắc kí đồ e).

 

Ngoài ra, theo Tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, các vi sinh vật có mặt trên bề mặt da có khả năng chuyển hoá các thuốc bôi ngoài.

Điều này chứng minh, làn da có chức năng chuyển hoá hoạt chất thoa lên da thông qua hệ vi sinh có lợi. Và đây cũng là cơ sở khoa học cho trend chăm sóc da bằng lợi khuẩn, hoặc tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn trên da, vì rõ ràng, hiệu quả của hoạt chất bôi lên da bị ảnh hưởng bởi nhóm vi sinh này.

 

  • CHUYẾN HOÁ NHỜ HỆ MEN SINH HỌC (enzyme) TRÊN DA

– Theo quyển BioChemistry (5th Edition) bởi các tác giả Jeremy M Berg, John L Tymockzko, và Lubert Stryer, các enzyme đẩy nhanh tốc độ phản ứng bằng cách giảm năng lượng kích hoạt.

Và giảm năng lượng cũng có nghĩa là giảm lượng nhiệt cần cung cấp để phản ứng xảy ra (đối với các phản ứng thu nhiệt). Cho nên, nếu có sự xúc tác của enzyme, thì da mặt không cần phải nóng đến 89.4 độ C mới xảy ra phản ứng thuỷ phân của Niacinamide. Và tất nhiên, cũng không cần phải thuỷ phân hoàn toàn, mà chỉ cần 1 lượng nhỏ nicotinic acid được sinh ra là cũng đã bắt đầu có thể gây tác dụng phụ trên da rồi, đặc biệt là nền da mỏng yếu, có tổn thương, sức bền thành mạch kém.

 

– Vậy chứng cứ đâu mà nói là trên da có chức năng chuyển hoá bằng enzyme?

Theo Tạp chí Sinh Lý và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Physiology 2019), số 32, trang 283 – 293, biểu bì và trung bì có hệ enzyme để sinh chuyển hoá các chất lạ tiếp xúc với làn da, và hoạt động sinh chuyển hoá của làn da bằng 1/3 hoạt động chuyển hoá của gan.

 

Hay theo Tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, trên da có các enzyme để sinh chuyển hoá các hoá chất từ bên ngoài.

 

 QUAY TRỞ LẠI VỚI TRƯỜNG HỢP THUỶ PHÂN NIACINAMIDE TRÊN DA

Nhắc lại 1 xíu về kết quả thí nghiệm tốc độ thuỷ phân của Niacinamide trong điều kiện đun nóng 89.4 độ C.

Trong cùng điều kiện thí nghiệm, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).

Như vậy, phải chăng khi sử dụng sản phẩm chứa niacinamide với 1 sản phẩm pH thấp trước đó (không nhất thiết là BHA) thì ta đang làm tăng nguy cơ thuỷ phân niacinamide lên hàng trăm lần với điều kiện chỉ cần gia nhiệt lên 89.4 độ C? Và như đã chứng minh bên trên, chỉ cần có sự xúc tác của enzyme thì phản ứng sẽ có thể xảy ra mà không cần điều kiện quá khắc nghiệt về nhiệt độ do enzyme đã làm giảm năng lượng kích hoạt phản ứng. Và như đã nhấn mạnh nhiều lần, không cần thuỷ phân hết toàn bộ lượng niacinamide có trong sản phẩm, chỉ cần 1 lượng nhỏ nicotinic acid sinh ra là đã có thể gây tác dụng đỏ và giãn mạch trên nền da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém rồi.

Vậy trên da có enzyme gì thuỷ phân liên kết amide của niacinamide vậy?

Cũng theo tạp chí Sinh Lý và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Physiology 2019), số 32, trang 283 – 293, biểu bì có chứa các men esterase đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá của làn da.

 

Vậy men esterase có liên quan gì mà đề cập ở đây? Vì theo quyển A Textbook of Modern Toxicology (xuất bản bởi Wiley InterScience) có khẳng định “men esterase và men amidase được phân bố khắp mọi nơi trên cơ thể” và “không có men esterase nào là không có hoạt tính amidase”, mà amidase chính là men thuỷ phân liên kết amide. Mọi thứ có vẻ rõ ràng hơn rồi nhỉ? ^^

 

Ngoài ra,  tạp chí Sinh Lý Ứng Dụng và Dược lý học Làn Da (Skin Pharmacology and Applied Skin Physiology 2001), số 14, trang 196 – 202, còn chứng minh được việc lớp biểu bì, trung bì và da toàn phần có hoạt lực thuỷ phân khác nhau, trong đó biểu bì có hoạt lực thuỷ phân mạnh nhất ở gần lớp đáy và gấp khoảng 10~12 lần so với trung bì và da toàn phần. Điều này cũng giải thích tại sao những làn da bị bào mỏng, tổn thương, hay tại những vị trí có vết thương thì sẽ dễ bị nóng, đỏ, rát hơn khi phối hợp sản phẩm có pH thấp với sản phẩm chứa niacinamide nồng độ cao vì ở những vị trí thương tổn có hàng rào biểu bì không toàn vẹn, Niacinamide dễ tiếp xúc với hoạt lực thuỷ phân mạnh của lớp đáy hơn.

 

CÂU 5 – BHA CÓ PHẢI LÀ ACID TỰ TRUNG HOÀ (SELF-NEUTRALIZING ACID) KHÔNG?

Có bạn đặt câu hỏi là, “chẳng phải BHA là acid tự trung hoà sao? Nghĩa là sau khi sử dụng thì BHA sẽ tự được trung hoà và làn da sẽ trở về pH sinh lý bình thường?”

Yessss, chính xác là như vậy. Và chính vì vậy mới có lời khuyên là sử dụng sản phẩm BHA xong, đợi 15 – 30 phút sau hả sử dụng tiếp sản phẩm chứa Niacinamide. Cơ sở khoa học của lời khuyên này chính là để BHA có thời gian tự trung hoà và làn da trở về pH sinh lý trước khi mình thoa tiếp sản phẩm chứa Niacinamide đó.

Thực ra, thời gian tự trung hoà này là bao lâu thì tuỳ thuộc vào cách bào chế của từng sản phẩm và cấu trúc của từng nền da. Cho nên, thời gian đó là 10 phút hay 20 phút hay 30 phút hay nhiều hơn hay ít hơn sẽ tuỳ thuộc vào từng sản phẩm cụ thể và từng làn da riêng biệt.

 

CÂU 6 – VẬY CHỐT LẠI, CÓ NÊN KẾT HỢP SẢN PHẨM CHỨA NIACINAMIDE VÀ SẢN PHẨM CHỨA BHA HAY KHÔNG?

Câu trả lời của Tiến là NÊN KẾT HỢP. Tuy nhiên, “nên kết hợp” không có nghĩa là kết hợp vô tội vạ mà không cần cân nhắc tới các tác dụng phụ có thể đi kèm.

 

– Nếu các bạn sử dụng sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Niacinamide của cùng 1 hãng sản xuất, và hãng này khuyến cáo dùng chung được thì tất nhiên là dùng chung được, vì hãng làm ra sản phẩm, một khi họ đã recommend dùng chung thì nghĩa là họ đã loại trừ các tương kị về bào chế, cũng như loại trừ hết các tính chất bất lợi của sản phẩm khi kết hợp cùng với nhau.

 

– Vấn đề đáng nói ở đây là, chúng ta thường hay có thói quen mix sản phẩm BHA của hãng này với sản phẩm niacinamide của hãng khác. Khi đó, các nguy cơ về tương kị bào chế (phá hệ pH, rã hệ gel, v.v…. như đã đề cập ở trên) cũng như các tương tác bất lợi của 2 sản phẩm sẽ không được ai đảm bảo. Chính vì vậy, khi phối hợp như vậy lần đầu tiên, chúng ta nên cẩn thận để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Tại sao khi dùng retinol, chúng ta đi cẩn thận từ nồng độ thấp rồi mới lên cao dần, hoặc khi dùng 1 sản phẩm mới chúng ta hay test da trước khi dùng toàn mặt, vậy mà khi kết hợp sản phẩm BHA và sản phẩm Nia lần đầu, chúng ta lại keo kiệt với chính bản thân mình 1 lần cẩn trọng? Không ai nói là BHA + Nia sẽ luôn luôn gây hại, nhưng bạn bè mình có thể dùng retinol 1% không có nghĩa là mình cũng có thể bôi retinol 1% một cách vô tội vạ? Retinol tốt đó, nhưng dùng sai cách và không phù hợp với chính mình thì có gây hại không?

 

– Còn tất nhiên, có rất nhiều bạn đã và đang sử dụng kết hợp sản phẩm BHA và sản phẩm Nia chung với nhau, chẳng những không có vấn đề gì mà da còn rất đẹp. Đơn giản là vì BHA dùng trước cũng giúp tăng tính thấm của Nia dùng sau. Chỉ là, skincare thì không nên vội vã, cứ cẩn trọng, từ từ theo đúng tốc độ của chính mình. Cũng như 1 lời khuyên đã quá cũ, đừng vì bạn mình xài retinol 1% da đẹp quá mà ngay lần đầu sử dụng mình cũng sẽ dùng 1%.

 

– Vậy lời khuyên của Tiến nếu các bạn muốn kết hợp sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Nia thì phải cẩn trọng như nào?

  • Dùng sản phẩm BHA và sản phẩm Nia của cùng 1 brand và theo đúng khuyến cáo của brand đó.
  • Nếu dùng 2 sản phẩm khác brand thì cần chú ý độ pH của sản phẩm chứa BHA: nếu pH của sản phẩm BHA thấp hơn 4 thì nên chờ 30 phút cho BHA tự trung hoà rồi hả bôi thêm sản phẩm chứa Nia lên và nên bắt đầu với nồng độ Nia thấp; nếu pH của sản phẩm BHA từ 4 trở lên, có thể sử dụng sản phẩm Nia liền ngay sau đó.
  • 2 lời khuyên trên chỉ dành cho làn da khoẻ mạnh. Đối với các làn da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém, có vết thương, v.v… cần được thăm khám và tư vấn routine sử dụng bởi người có chuyên môn.

Mục đích của bài viết này không nhằm làm các bạn thêm hoang mang trong việc sử dụng BHA và niacinamide, mà là cung cấp thêm 1 góc nhìn và hướng dẫn các bạn cách sử dụng kết hợp 2 thành phần này sao cho hiệu quả và an toàn nhất. Cẩn tắc vô áy náy mà, đặc biệt là với sắc đẹp và sức khoẻ của mình, đúng không?  ^^

Hy vọng bài viết này đủ để giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn. Chúc cả nhà ta luôn đẹp an toàn !!!

Điều trị dứt điểm NÁM DA được hay không?

Phân biệt từng loại nám và kỳ vọng về hiệu quả trị liệu

Nám da là thuật ngữ dân gian và thông dụng, dù rằng kém cụ thể, để nói về tình trạng da mặt có những vệt sẫm màu hơn những vùng da bình thường, hay thuật ngữ chuyên môn còn gọi là RỐI LOẠN TĂNG SẮC TỐ. Chính vì vậy, thực chất khi nói về nám da là đang đề cập tới một trong số các dạng rối loạn tăng sắc tố như nám mảng, nám chân sâu (bớt Hori), tàn nhang đồi mồi, nám khói, v.v… Tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà định hướng trị liệu cũng như kỳ vọng về kết quả trị liệu cũng khác nhau. Câu trả lời cho việc “Có thể điều trị dứt điểm nám da hay không?” cũng chính vì thế mà cũng thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể.

➕ Đối với #TÀN_NHANG, là những vết màu nâu cà phê sữa thường có hình dạng và kích thước như đầu tăm nhang, phân bố rải rác hoặc tập trung ở bất kỳ vùng nào trên mặt như má, mũi, trán, môi trên, cằm, v.v… Đây là những thương tổn sắc tố thường nông bề mặt nên dễ dàng giải quyết bằng các phương pháp xử lý bóc tách bằng hóa chất hay laser màu hay thậm chí laser bóc tách hơi nước hoặc máy đốt điện. Tuy nhiên, việc xử lý bóc tách cần đủ nhẹ nhàng và phù hợp cơ địa để tránh để lại sẹo lõm hay vết thâm. Đặc tính của tàn nhang phụ thuộc nhiều vào cơ địa và liều lượng tiếp xúc với tia UV, nên mặc dù dễ dàng xóa sạch tàn nhang sau vài buổi trị liệu, nhưng nếu không che chắn và bảo vệ kỹ thì tàn nhang rất dễ nổi lại hoặc nổi thêm những nốt mới. Thời gian bao lâu tái lại và mức độ tái lại là bao nhiêu phần trăm so với ban đầu phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp trị liệu và chế độ che chắn, bảo vệ da sau trị liệu.

Tàn nhang có thể mờ hơn 70 – 80% chỉ sau lần trị liệu đầu tiên bằng laser chọn lọc màu

 

Tàn nhang là những đốm nhỏ màu nâu cà phê sữa, nằm rải rác khắp nơi trên mặt, dễ dàng bị xóa bỏ chỉ sau vài lần trị liệu mà hoàn toàn không để lại sẹo, thâm nếu lựa chọn đúng laser, đúng bước sóng và thực hiện đúng kỹ thuật.

 

Kể cả tàn nhang ở những người lớn tuổi hoặc da lão hóa cũng có thể được xóa sạch một cách dễ dàng

➕ #ĐỒI_MỒI thường xuất hiện ở những người lớn tuổi hoặc bị lão hóa bởi ánh sáng (tiếp xúc nhiều với tia UV). Đồi mồi thông thường cũng dễ chữa như tàn nhang bằng phương pháp laser màu hay laser bóc tách hơi nước. Hiệu quả trị liệu cũng như việc có dể lại sẹo hay không phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp lựa chọn, cũng như tay nghề bác sĩ (hay kỹ thuật viên). Đồi mồi thường dễ nổi thêm những vết mới do sự lão hóa tuổi tác và tiếp xúc thường xuyên với tia UV nên làn da cần được bảo vệ kỹ sau khi trị liệu để hiệu quả được kéo dài.

➕ #NÁM_CHÂN_SÂU (nám chân đinh) hay thuật ngữ chuyên môn còn gọi là Hori Nevus, là những vết tròn như đầu đũa màu nâu đen hay nâu sẫm, thường tập trung ở 2 bên gò má và sát vùng mí dưới. Nám chân sâu thường dễ bị nhầm lẫn với tàn nhang, và sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo thâm hay sẹo mất sắc tố nếu điều trị bằng phương pháp bóc tách như điều trị tàn nhang. Chính vì vậy, cần phải chẩn đoán đúng và định hướng trị liệu đúng ngay từ đầu để tránh các tai biến nghiêm trọng cho làn da. Nám chân sâu cần được trị liệu bằng laser không bóc tách, tức là năng lượng laser xuyên qua lớp biểu bì và phá vớ sắc tố dưới da. Sau đó, làn da sẽ tự đào thải các mảnh vỡ sắc tố thông qua sự thực bào, chứ không thông qua sự bong tróc biểu bì. Dù rằng sẽ cần khá nhiều buổi trị liệu (10 – 12 buổi hoặc nhiều hơn tùy mức độ nông sâu, nặng nhẹ) nhưng nám chân sâu thường ít tái lại và hiệu quả trị liệu tương tối cao và bền vững nếu nhận định đúng vấn đề cũng như trị liệu đúng thời điểm và phương pháp.

Nám chân sâu (nám chân đinh, Hori nevus) thường có màu nâu sẫm, nâu đen, có thể được loại trừ khoảng 70 – 90%, tuy nhiên không nên nhầm lẫn với tàn nhang vì nếu điều trị sai cách dễ gây tăng sắc tố, sẹo lõm, sẹo lồi.

 

Khách hàng bị hỗn hợp tàn nhang và nám chân sâu, cộng với một ít nám mảng. Sau khoảng 8 – 10 tuần trị liệu, nám chân và tàn nhang mờ hẳn (hơn 90%), da sáng mịn đều màu và không có dấu hiệu tái lại dù đã ngừng laser khá lâu.

➕ #NÁM_MẢNG, cũng như tên gọi của nó, là nám có hình thức dạng mảng liền lạc nhau chứ không phải từng đốm rời rạc như nám chân đinh (Hori), thường có màu nâu cà phê sữa, có thể đối xứng hoặc không đối xứng ở 2 bên má, trên trán, trên mũi, vùng hàm râu hay vùng cằm. Nám mảng có thể phát sinh do tiếp xúc nhiều với tia UV, rối loạn nội tiết tố, stress, hay do việc lạm dụng/sử dụng mỹ phẩm sai cách hay có chứa các thành phần độc hại. Điều trị nám mảng thường không khó nếu điều trị đúng ngay từ đầu, khi mà da còn khỏe mạnh. Nhưng ngược lại, nếu làn da bị nám đã trải qua quá nhiều trị liệu sai cách hay không phù hợp, khiến làn da mỏng đỏ, suy yếu, mẫn cảm hay teo da giãn mạch thì dù rằng vết nám có mờ, có nhẹ đi chăng nữa thì việc trị liệu cũng trở nên vô cùng khó khăn. Tiêu chí quan trọng nhất trong điều trị nám mảng đó là phải điều trị sao cho làn da vẫn luôn khỏe mạnh, nghĩa là phải bảo toàn hay nâng cao được sức khỏe làn da trong suốt quá trình trị liệu, để tránh sự lệ thuộc hay dội ngược khiến nám tái trở lại rất nhanh sau khi trị liệu. Đồng thời, cần lưu ý giảm liều và giãn liều dần dần dù là trị liệu bằng laser hay mỹ phẩm, để làn da quen dần với sự thiếu vắng của tác nhân trị liệu, chứ tuyệt đối không nên ngừng trị liệu một cách đột ngột ngay khi vừa có kết quả, để tránh nám bị tái trở lại nhanh chóng. Đối với nám mảng, việc duy trì tác nhân trị liệu ở một khoảng cách xa hợp lý là điều cần thiết để ngăn ngừa nám tái trở lại, và tất nhiên, kem chống nắng và kem dưỡng ẩm là 2 sản phẩm không thể thiếu sau khi hoàn thành trị liệu.

Nám mảng có thể được điều trị dễ dàng khi da khỏe mạnh mà không cần phối hợp nhiều phương pháp.

 

Nám mảng trên nền da mỏng đỏ, lộ mạch máu thường sẽ tốn thời gian hơn so với những da khỏe mạnh. Cần ưu tiên vừa trị liệu vừa hồi phục da để da sáng, khỏe, ngăn ngừa nguy cơ nám tái lại.

 

Những trường hợp nám mảng trên nền da mỏng đỏ, lại có những vết trắng bạch biến (mất/giảm sắc tố) cần có phác đồ trị liêu riêng biệt để vừa điều trị nám, vừa hồi phục da mỏng đỏ, tăng cường sức khỏe da, vừa làm mờ các vết trắng để đảm bảo thẩm mỹ.

➕ #NÁM_KHÓI là tình trạng nám hình thành do sự trùng hợp hóa hay tạo phức của sắc tố melanin trong da và một loại hóa chất hay một loại thuốc nào đó, thường cũng biểu hiện dạng mảng nhưng không phải màu nâu cà phê sữa mà là những màu đặc trưng của chuỗi polymer hay phức chất tạo nên bởi sự liên kết đó (màu xám, màu đen, màu xanh tím,v.v…). Nám khói thường ở sâu hơn so với nám mảng thông thường. Chính vì nám khói có liên quan đến một tác nhân hóa học nào đấy, nên việc điều trị nám khói muốn triệt để thì cần phải cách ly bệnh nhân khỏi tác nhân đó, đồng thời kết hợp laser trị liệu với một loại thuốc giải đặc hiệu cho chính tác nhân hóa học mà bệnh nhân nhiễm phải. Trị liệu nám khói thường khó khăn, gian nan và tốn nhiều thời gian hơn so với nám mảng thông thường, nhưng một khi đã trị liệu thành công thì hầu như không bao giờ tái lại nếu bệnh nhân không tiếp xúc với tác nhân hóa học đó nữa. Việc chống nắng bảo vệ da khỏi tác động của tia UV cũng rất cần thiết để giảm sự sản sinh melanin, vì melanin cũng là một thành phần cấu thành nám khói (như đã giải thích bên trên).

Nám khói có thể được chữa trị hoàn toàn và không tái lại nếu xác định được tác nhân gây độc và ngừng hoàn toàn việc tiếp xúc với tác nhân trong và sau quá trình trị liệu.

 

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Tiêm FILLER có thực sự an toàn???

Với nhu cầu chỉnh chu và hoàn thiện về ngoại hình ngày càng cao của cuộc sống năng động và hiện đại, bên cạnh các liệu pháp chăm sóc và làm đẹp da bằng mỹ phẩm hay các loại trang thiết bị công nghệ cao, trẻ hóa hay tạo hình bằng các chất làm đầy cũng là một lựa chọn ngày càng phổ biến của các tín đồ làm đẹp nhờ vào hiệu quả tức thì, ít đau đớn và gần như không cần thời gian nghỉ dưỡng (downtime). Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, bên cạnh những ưu điểm và lợi thế nổi bật đó của phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy thì cũng có những rủi ro tiềm ẩn nếu như không lựa chọn đúng người thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy có trình độ, tay nghề và giàu kinh nghiệm.

Hiện tượng lão hóa trên da mặt diễn ra dần dần mỗi ngày với sự mỏng đi của làn da và suy giảm tính săn chắc, đàn hồi theo thời gian do sự thất thoát và hủy hoại của collagen, elastin và  acid hyaluronic ở lớp trung bì. Quá trình lão hóa tự nhiên này lại càng nghiêm trọng và nhanh chóng hơn khi cơ thể thường xuyên phơi nhiễm với các nhân tố gây lão hóa ngoại sinh như hút thuốc lá, stress, môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm, tia tử ngoại, v.v… làm xuất hiện ngày càng nhiều những nếp nhăn, làn da chùng nhão và mất đi sự căng tròn, đầy đặn vốn có. Lúc này, chất làm đầy được lựa chọn như một cứu cánh tức thời để khắc phục những sự thiếu hụt thể tích do những thất thoát của các thành phần quan trọng ở trung bì.

Quy trình tiêm chất làm đầy thường được thực hiện để khắc phục những nếp nhăn tĩnh của da lão hóa, đặc biệt là những nếp nhăn ở 2/3 dưới của khuôn mặt như rãnh má mũi hay nếp gấp miệng cằm (rãnh marrionette). Các chất làm đầy còn được sử dụng cho mục đích độn mô hay tạo đường nét cho khuôn mặt như làm đầy má hóp, làm đầy môi hay  nâng gò má. Khi được đưa vào làn da, có thể là ở trung bì hay những vị trí sâu hơn, chất làm đầy sẽ thay thế những thể tích bị thiếu hụt do bẩm sinh hay do quá trình lão hóa. Đồng thời, một số chất làm đầy còn đóng vai trò là chất kích thích sinh học, giúp hoạt hóa và thúc đẩy nguyên bào sợi tăng cường hoạt động sản sinh collagen và elastin cho làn da. Ngoài ra, với xu hướng làm đẹp tạo khuôn mặt V-line như các ca sĩ hay diễn viên Hàn Quốc, chất làm đầy còn được sử dụng để tiêm cằm, hay được ưa chuộng hơn nữa là nâng mũi tạo dáng S-line bằng chất làm đầy.

Các chất làm đầy có thể được phân loại thành 3 nhóm cơ bản dựa trên thời gian tác dụng như tạm thời (dưới 1 năm, như collagen hay acid hyaluronic), bán vĩnh viễn (từ 1 – 2 năm, như calcium hydroxyl apatite hay acid poly-L-lactic ) và vĩnh viễn (nhiều hơn 2 năm, như polymethyl methacrylate). Về bản chất hóa học, các chất làm đầy kể trên là những chất có độ tinh khiết và an toàn cao, không gây độc và không chứa độc tố, có tính tương thích cao với cơ thể người. Nhưng về mặt cơ học, do khả năng tồn tại khá lâu dài trong cơ thể, nên nếu tiêm chất làm đầy không đúng cách hoặc được thực hiện bởi những người không đủ trình độ chuyên môn và tay nghề, chất làm đầy có thể gây tắc nghẽn mạch máu, khiến vùng da không được tưới máu nuôi dưỡng có thể bị hoại tử, hoặc tai biến có thể nghiêm trọng hơn như mù mắt hay mất/giảm thị lực vĩnh viễn, chưa kể đến những rủi ro về viêm nhiễm trùng nếu môi trường thực hiện thủ thuật không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn. Mặc dù những rủi ro trên xuất hiện với tỉ lệ khá thấp, khoảng 0,6 phần ngàn (tức 10.000 ca sẽ có khoảng 6 ca rủi ro) nhưng tỉ lệ này tại Việt Nam đang có xu hướng tăng cao hơn do ngày càng có nhiều người thực hiện tiêm chất làm đầy không được đào tạo bài bản, mà chỉ là học qua những kinh nghiệm truyền miệng hay chỉ đơn giản là thực hiện một cách tự phát thông qua các clip trên mạng internet. Chính vì vậy, việc tiêm chất làm đầy cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện bởi những bác sỹ có đầy đủ trình độ chuyên môn và tay nghề tại một cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn.

health and beauty concept – woman getting dermall fillers injection

Tại Việt Nam hiện nay, chất làm đầy đang được sử dụng khá phổ biến là acid hyaluronic. Đây mà một glycosaminoglycan tự nhiên của cơ thể người, có ở lớp trung bì đóng vai trò tạo cấu trúc, giữ nước và tạo sự đầy đặn cho làn da. Chất làm đầy có bản chất là hyaluronic acid trên thị trường có rất nhiều loại với nhiều thương hiệu khác nhau, và các sản phẩm cũng khác nhau về công thức, nồng độ hay mức độ liên kết chéo, từ đó dẫn đến sự khác nhau về thời gian tồn tại trong cơ thể cũng như mức độ sưng nề nhẹ sau tiêm. Chính vì những sự khác biệt nêu trên giữa các sản phẩm chất làm đầy có bản chất là hyaluronic acid mà các bác sỹ sẽ lựa chọn loại chất làm đầy có độ cứng phù hợp cho từng vùng tiêm (loại cứng cho những vùng cần tạo hình cố định, và loại mềm hơn cho những vùng cử động nhiều hay những vùng da mỏng). Điều này hết sức quan trọng để tạo nên một sản phẩm đẹp hài hòa và tự nhiên sau khi tiêm. Độ sâu khi tiêm chất làm đầy cũng tùy thuộc vào vị trí và mục đích thẩm mỹ, đồng thời cũng quyết định sản phẩm cuối cùng sau khi tiêm có mượt mà hay u sần vón cục. Một ưu điểm của chất làm đầy hyaluronic acid chính là chất này có “thuốc giải” để có thể tiêm hòa tan chất làm đầy nếu như tiêm chất làm đầy bị lỗi hay chỉ đơn giản là khách hàng không thích diện mạo mới của mình. Giá thị trường hiện nay khi tiêm chất làm đầy hyaluronic acid có thể dao động từ 5 triệu đến hơn 10 triệu cho 1cc chất làm đầy, tùy thuộc thương hiệu và xuất xứ sản phẩm. Chất làm đầy an toàn là loại được đóng gói trong từng xylanh 1 – 2 cc riêng lẻ, dùng xong rồi vứt đi. Không nên sử dụng loại đóng gói to, mỗi lần dùng rút ra 1 ít vì dễ có nguy cơ nhiễm trùng.

Một số chống chỉ định cho việc tiêm chất làm đầy có thể kể đến như: phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn; sự hình thành sẹo lồi hay sẹo phì đại; rối loạn đông máu – chảy máu; có sử dụng isotretinoine trong vòng 06 tháng; teo da (do yêu cầu sử dụng steroid mãn tính, các hội chứng di truyền); rối loạn hồi phục vết thương; viêm da tại vùng tiêm; mẫn cảm với thành phần chất làm đầy; bệnh nhân có kỳ vọng không thực tế về phương pháp.

Một số biểu hiện sau khi tiêm: sưng nhẹ, đỏ nhẹ, có thể có vết bầm là những biểu hiện bình thường và thường sẽ tự biến mất sau vài giờ hay vài ngày. Nếu có dấu hiệu xanh tím hay trắng bệt vùng da trên diện rộng, đau nhức dữ dội hay mất cảm giác hoàn toàn, hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, chảy dịch vùng tiêm, cần lập tức liên hệ ngay với bác sỹ để được xử lý kịp thời.

Mặc dù chất làm đầy tạm thời có bản chất là hyaluronic thường được xem là chất làm đầy tương thích tốt với cơ thể, và do có thể giải được dễ dàng bằng hyaluronidase, nhưng lựa chọn chất làm đầy hyaluronic acid để tiêm vào cơ thể cũng cần phải có những hiểu biết nhất định về đặc tính của sản phẩm nhằm hạn chế tối đa tai biến – tác dụng phụ từ các loại tạp chất trong quá trình sản xuất sản phẩm. An toàn tuyệt đối khi tiêm chất làm đầy đòi hỏi 2 yếu tố, tay nghề bác sĩ (tiêm đúng kỹ thuật, đúng giải phẫu để không gây tắc mạch, hoại tử hay mù mắt) và độ an toàn của chính sản phẩm chất làm đầy được sử dụng.

Cùng có bản chất hóa học là acid hyaluronic, nhưng mỗi một thương hiệu với một quy trình chọn lọc nguyên liệu và sản xuất khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm có đặc tính kỹ thuật khác nhau. Một sản phẩm chất làm đầy hyaluronic an toàn cần có:

– Hàm lượng nội độc tố vi khuẩn càng thấp càng tốt (sinh ra trong quá trình sản xuất hyaluronic acid bằng công nghệ sinh học)

– Dư lượng hóa chất BDDE bằng 0 (hóa chất này dùng để tạo liên kết chéo nhằm tăng cường độ cứng và thời gian tồn tại trong cơ thể của chất làm đầy)

– Kích thước phân tử đồng nhất và liên kết chéo hoàn toàn

– pH và áp suất thẩm thấu của sản phẩm tương thích với cơ thể

– Độ nhớt, độ dẻo và áp lực khi tiêm được tối ưu hóa phù hợp với vùng tiêm

P/s: Nếu các bạn yêu cầu Tiến ví dụ một sản phẩm chất làm đầy nào đáp ứng được các tiêu chí trên thì Tiến có thể đề xuất nhãn hàng chất làm đầy e.p.t.q của hãng Jetema (Hàn Quốc) các bạn ạ. Sản phẩm này được mệnh danh là Safety Filler (chất làm đầy an toàn) được rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viên lớn của Hàn Quốc tin dùng, và có đại sứ thương hiệu tại Hàn Quốc là diễn viên Kwon Sang Woo trong phim Nấc Thang Lên Thiên Đường đó các bạn. ^^

 Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Các phương pháp chống nắng cho da

Tia UV từ lâu đã được mọi người biết đến như một tác nhân gây lão hóa da và ung thư da, nhưng có lẽ ít ai trong số chúng ta biết được phương pháp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV như thế nào là đầy đủ và toàn diện nhất. Cũng chính vì vậy, không ít người đang mắc phải rất nhiều sai lầm trong các phương pháp bảo vệ làn da của mình, chẳng những không giúp làn da thoát khỏi tác dụng gây lão hóa và sạm da của tia UV mà đôi khi, chính những phương pháp thiếu khoa học và không phù hợp sẽ càng làm làn da tệ hại hơn, thậm chí là gây bít tắc, hay kích ứng, dị ứng, nổi mụn, v.v… Trong khuôn khổ của bài viết này, Dược sĩ Tiến (tên đầy đủ là dược sĩ Phạm Minh Hữu Tiến) sẽ cung cấp những thông tin khái quát và toàn diện hơn về vấn đề này.

Dược sĩ Tiến – thành viên Viện Hàn Lâm Thẩm Mỹ Nội Khoa Hoa Kỳ

Tránh nắng như thế nào cho đúng?

Mọi người thường hay có quan niệm chung rằng cần tránh nắng để bảo vệ làn da an toàn khỏi tác dụng gây lão hóa và sạm nám da. Quan niệm này không phải là sai, nhưng cách mọi người đang tránh nắng chưa thực sự đúng.

Trong tia nắng, cơ bản có 3 loại thành phần là ánh sáng nhìn thấy (chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường, cảm nhận được bằng thị giác), tia hồng ngoại và tia tử ngoại. Mặc dù một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kể cả khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhìn thấy hay tia hồng ngoại ở cường độ cao vẫn gây ra lão hóa và thoái hóa collagen, nhưng tác dụng gây lão hóa chủ yếu và nghiêm trọng nhất, đáng kể nhất vẫn là của tia tử ngoại. Cơ bản là chúng ta có thể dùng thị giác để cảm nhận được ánh sáng nhìn thấy, hay dùng xúc giác để cảm nhận được tia hồng ngoại (thông qua hiệu ứng sinh nhiệt của tia hồng ngoại), nhưng chúng ta hầu như không thể cảm nhận được sự tồn tại của tia UV. Chính vì vậy, việc chúng ta ra đường và tránh những vệt nắng vàng chói chang cũng chỉ đơn thuần là tránh đi các tia sáng nhìn thấy, hay việc tránh nắng tránh nóng thông qua cảm nhận về sự nóng nực cũng chỉ đơn thuần là tránh đi tia hồng ngoại mà thôi. Trong khi đó, tác nhân gây lão hóa chính cho làn da chúng ta là tia UV thì chúng ta lại không cảm nhận được và dễ chủ quan, ví dụ như không bôi chống nắng và không dùng trang phục chống nắng khi thấy trời râm mát, hoặc lơ là cảnh giác khi khí hậu mát mẻ hay lành lạnh. Chính vì vậy, cần nắm rõ những phương thức và công cụ chống nắng hiệu quả, cũng như cần áp dụng đúng và đẩy đủ để bảo vệ làn da được tối ưu.

Có những phương pháp chống nắng nào?

Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, thì chống nắng chính là chống tia UV và chúng ta có 3 tầng hay 3 phương thức chống nắng khác nhau: trang phục chống nắng, kem chống nắng và chống nắng nội sinh.

– Trang phục chống nắng: đây chính là tầng chống nắng đầu tiên bảo vệ làn da khỏi tác động bất lợi của tia UV. Khả năng chống nắng của các trang phục hàng ngày thường kém và để cho tia UV xuyên qua khá nhiều. Tuy nhiên, việc che chắn kỹ bằng trang phục cũng góp phần giảm bớt tác hại của tia UV một phần nào đó. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có khá nhiều các loại trang phục được thiết kế và sản xuất chuyên dụng với chức năng chống nắng với chỉ số SPF cao và được kiểm định rõ ràng. Hiệu quả chống nắng của các loại trang phục này thường kéo dài và có khả năng lọc tia UV rất cao nên sẽ bảo vệ làn da hiệu quả hơn. Ưu điểm của các loại trang phục chống nắng này là hầu như không gây kích ứng da như mỹ phẩm và hiệu quả chống nắng thường rất kéo dài. Cần lưu ý bảo vệ luôn cả vùng da xung quanh mắt bằng kính mát với kiểu dáng có khả năng che chắn tốt và chất liệu có khả năng lọc tia UV cao.

– Kem chống nắng chính là tầng bảo vệ da thứ 2, sau các loại trang phục thường ngày hay trang phục chống nắng. Kem chống nắng đóng vai trò hấp thu tia UV (đối với kem chống nắng theo cơ chế hóa học) hoặc phản xạ tia UV (đối với kem chống nắng theo cơ chế vật lý. Kem chống nắng được bôi lên da để bảo vệ làn da khỏi tác hại của những tia UV có thể xuyên qua trang phục hoặc phản chiếu ở những góc độ mà trang phục không thể che chắn được. Tuy nhiên, do kem chống nắng có nhiều loại hoạt chất khác nhau, hoạt động theo cơ chế khác nhau, cũng như các dạng bào chế trên thị trường khá phong phú, đa dạng và không giống nhau đối với các loại da khác nhau nên người sử dụng cần xác định rõ loại da của chính mình, cũng như các vấn đề da đi kèm để có thể lựa chọn một kem chống nắng phù hợp, nhằm tránh hiện tượng kích ứng da do hoạt chất chống nắng, hay bị nổi mụn do bít tắc bởi dạng bào chế không phù hợp. Nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề lựa chọn một loại kem chống nắng phù hợp với loại da và vấn đề của mình, bạn có thể tìm đến một bác sĩ da liễu hay một chuyên gia thẩm mỹ để được tư vấn chi tiết. Cần lưu ý rằng, kem chống nắng (đặc biệt là các hoạt chất chống nắng theo cơ chế hóa học) sẽ dễ bị biến đổi thành dạng mất hoạt tính bởi tia UV và nhiệt độ nên cần phải được bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng để tránh làm chống nắng bị hư hỏng hay mất tác dụng trong quá trình bảo quản.

– Chống nắng nội sinh: là tầng chống nắng được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây. Các hoạt chất chống nắng nội sinh hoàn toàn không hoạt động theo cơ chế hấp thu hay phản xạ tia UV như kem chống nắng, mà lại thông qua cơ chế trung hòa các gốc tự do sinh ra bởi tác động của tia UV. Các chất chống nắng nội sinh có bản chất vốn dĩ là các chất chống oxy hóa mạnh, có ái lực cao với làn da nên khi được uống hay tiêm vào cơ thể sẽ nhanh chóng tích lũy lên bề mặt da để giúp làn da chống lại các gốc tự do sinh ra bởi tia UV, đồng thời tăng cường chuyển đổi các sắc tố màu đen (eu-melanin) thành các sắc tố sáng màu hơn (pheomelanin) nên cũng sẽ vừa chống nắng mà cũng vừa nâng tông làn da sau một thời gian sử dụng.

Cả 3 tầng chống nắng nêu trên đều hết sức quan trọng và cần thiết để có một làn khỏe mạnh, mịn màng và trắng sáng. Chính vì vậy, hãy hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia UV và luôn luôn bảo vệ làn da thật đầy đủ bởi cả 3 tầng chống nắng nêu trên (trang phục, kem chống nắng, chống nắng nội sinh). Làn da trắng sáng nhờ vào cơ chế chống nắng đầy đủ và toàn diện bao giờ cũng đẹp và khỏe hơn rất nhiều so với một làn da trắng nhờ các phương pháp bào mòn hay lột tẩy, các bạn nhé.

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Xóa tan bọng mỡ mắt không cần phẫu thuật

Bọng mỡ mắt là một dấu hiệu lão hóa và là một khuyết điểm khá rõ rệt của vùng mắt mà hầu như cả nữ giới hay nam giới đều muốn loại trừ để đôi mắt trẻ trung hơn, sinh động hơn và đặc biệt là tổng thể gương mặt sẽ sáng sủa và thần sắc hơn. Bọng mắt thường hay xuất hiện ở người lớn tuổi, và thường đi kèm với tình trạng thừa da, lỏng lẻo của vùng mí dưới, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở những người trẻ tuổi với kích thước dù nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần mất thẩm mỹ. Thường thì khi nghĩ đến giải pháp để loại trừ bọng mỡ mắt, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến phẫu thuật thẩm mỹ bóc túi mỡ vùng mắt và cắt da thừa, nhưng liệu pháp phẫu thuật đôi khi lại không phù hợp với một số bạn trẻ, khi mà vấn đề chưa quá nghiêm trọng hoặc vì lý do công việc và giao tiếp mà không thể chấp nhận được thời gian nghỉ dưỡng quá dài sau khi thực hiện. Chính vì vậy, công nghệ thẩm mỹ hiện đại ngày càng cho ra đời nhiều phương pháp để cải thiện được vấn đề bọng mỡ mắt ít xâm lấn hơn, và không cần phẫu thuật, để phù hợp hơn với nhịp sống nhanh nhẹn của đời sống hiện đại.

Dược sĩ Tiến – thành viên Viện hàn lâm thẩm mỹ nội khoa Hoa Kỳ, giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo thẩm mỹ Dược sĩ Tiến

Mỹ phẩm bôi ngoài

Trong các phương pháp để cải thiện bọng mỡ mắt và trẻ hóa vùng mắt thì có lẽ việc dùng mỹ phẩm bôi ngoài là nhẹ nhàng và dễ dàng nhất. Thông thường, mỹ phẩm dành cho vùng mắt sẽ tăng cường khả năng giữ ẩm và chống mất nước xuyên biểu bì cho vùng da xung quanh mắt, đồng thời chứa các hoạt chất tiêu mỡ (L-carnitine, caffein, natri pyruvate), hoạt chất tăng tuần hoàn đào thải mỡ (chiết xuất bạch quả, chiết xuất artiso), hoạt chất chống nhăn – tăng đàn hồi (retinol, vitamin C, acid glycolic), hoạt chất cải thiện quầng thâm (vitamin K, chiết xuất arnica), v.v… Hiệu quả của các sản phẩm bôi ngoài đối với vùng mắt thường chậm, ít rõ ràng, đòi hỏi sự kiên trì và thường phù hợp với những tình trạng nhẹ hoặc nhằm mục đích ngăn ngừa lão hóa vùng mắt.

RF (Radio Frequency – sóng điện từ) đa cực

Multi-polar RF (sóng RF đa cực) kích thích tăng sinh collagen, elastin đồng thời tăng cường tốc độ ly giải mỡ thông qua cơ chế sản sinh nhiệt lượng phù hợp ở lớp trung bì và lớp mỡ dưới da. Đây cũng là một phương pháp nhẹ nhàng, dễ chịu và không xâm lấn. Tuy nhiên, hiệu quả cũng tương đối chậm, đòi hỏi nhiều buổi trị liệu liên tiếp nhau, và thường được sử dụng với mục đích duy trì kết quả của các trị liệu khác hoặc mục đích ngăn ngừa.

 

Mesotherapy

Là phương pháp đưa trực tiếp hoạt chất tinh khiết và vô trùng vào vị trí tác động nhằm đảm bảo nồng độ thuốc cao nhất ở vị trí trị liệu và bảo vệ hoạt chất tránh hư hỏng hay thất thoát trong quá trình vận chuyển tới đích so với phương pháp bôi thông thường. Hoạt chất thường được đưa vào bọng mỡ mắt hay vùng da xung quanh mắt bằng một đâu kim rất mảnh. Hoạt chất thường được sử dụng là cafein, L-carnitine, natri pyruvate để thúc đẩy quá trình chuyển hóa mỡ, cũng như chiết xuất ginko biloba hay artichoke nhằm tăng cường tuần hoàn và đào thải mỡ. Phương pháp này thường tạo cảm giác châm chích và khó chịu nhẹ khi kim tiêm đâm vào da và cần ủ tê trước khi thực hiện. Hiệu quả của mesotherapy thường có hiệu quả nhanh hơn so với liệu pháp bôi ngoài da thông thường, và thường được chỉ định cho những trường hợp bọng mỡ mắt còn nhỏ và chưa có bao xơ, vùng da xung quanh mắt còn trẻ và còn độ đàn hồi tương đối tốt.

Laser bóc tách vi điểm, plasma

Một số trường hợp bọng mỡ mắt nhỏ, nhưng đi kèm với một số nếp nhăn vùng mắt thì các loại laser vi điểm bóc tách hơi nước như fractional CO2, fractional Er:YAG hay công nghệ plasma cũng có thể là một lựa chọn. Các công nghệ này kích thích khả năng tăng sinh collagen và tái cấu trúc vùng da thông qua các tổn thương nhiệt và bóc tách trên bề mặt da, để làm săn chắc, giảm nếp nhăn và từ đó cũng sẽ thấy bọng mỡ ít rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trên làn da loại IV của người Việt Nam thì việc thực hiện các công nghệ bóc tách bề mặt này cần hết sức cẩn thận để tránh nguy cơ tạo sẹo và tăng sắc tố.

 

Cannula RF (kim điện từ đầu tù) và Needle RF (vi kim điện từ)

Cũng vẫn là sóng điện từ RF như công nghệ RF đa cực đã bàn bên trên, nhưng Cannula RF (kim điện từ đầu tù) và Needle RF (vi kim điện từ) là cho hiệu quả cao hơn thông qua việc phát ra sóng điện từ ngay trực tiếp tại vị trí túi mỡ nhờ vào các đầu kim hay đầu cannula đâm xuyên qua da và đến ngay vị trí cần tác động, chứ không chỉ trên bề mặt da như phương pháp RF đa cực. Liệu pháp này thường phù hợp với các trường hợp túi mỡ tương đối to và vùng da xung quanh mắt có nhiều nếp nhăn và mất độ đàn hồi nhẹ. Sóng điện từ RF vừa kích thích quá trình đốt mỡ nhanh chóng, đồng thời tăng cường sản sinh mạnh mẽ collagen và elastin của vùng da trị liệu.

HIFU (High Intensity Focused Ultrasound – Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao)

Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao HIFU dành cho vùng mắt sẽ hội tụ tại một độ sâu chính xác 1.5mm dưới da, ngay vị trí túi mỡ và phá vỡ tế bào mỡ cũng như tạo một tổn thương vi điểm lành tính ngay dưới da mà không làm tổn thương bề mặt. Tế bào mỡ chịu sự tác động của HIFU sẽ co rút và bị phá vỡ, đồng thời quá trình sản sinh collagen và elastin của vùng da mắt cũng được tăng cường.

Căng chỉ

Căng chỉ hay còn gọi là liệu pháp kích hoạt collagen bằng chỉ hòa tan thường được đưa vào những vùng da chùng nhão nhằm mục đích kích thích tăng sinh collagen và elastin để tăng cường khả năng đàn hồi của da. Trong trường hợp của túi mỡ dưới mắt, các bác sĩ cũng có thể chỉ định chỉ xoắn đơn hay xoắn kép đưa vào túi mỡ nhằm kích thích tăng cường tuần hoàn liên tục để đào thải mỡ, thu gọn túi mỡ, đồng thời làm săn chắc vùng da trị liệu.

Với rất nhiều phương pháp khác nhau để khắc phục bọng mỡ mắt không cần phẫu thuật, các bác sĩ có thể chỉ định một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc để đẩy nhanh hiệu quả, tùy thuộc vào tình trạng thực tế, độ tuổi, loại da và các vấn đề đi kèm. Tuy nhiên, chúng ta nên ngăn ngừa lão hóa vùng mắt xảy ra bằng cách thường xuyên bôi dưỡng ẩm và chống lão hóa vùng mắt, cũng như thường xuyên bôi chống nắng và đeo kính râm khi ra đường, hạn chế thức khuya, ăn uống quá mặn, uống quá nhiều trà, cà phê hay soda, ngủ gối cao đầu, v.v… vì phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh.

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Các phương pháp xử lý vết thâm hiệu quả

Làn da mượt mà, trắng mịn không tỳ vết hoặc chí ít cũng nâu khỏe, đồng đều màu là ước muốn không chỉ của riêng các tín đồ đam mê làm đẹp, mà là của hầu như tất cả mọi người, dù là nam giới hay nữ giới. Tuy nhiên, với đặc tính di truyền của dân tộc da vàng và khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo tiếp nhận lượng lớn tia UV xuyên suốt cả năm, rất nhiều trong số chúng ta đang phải đau đầu về những vết sắc tố cứng đầu đeo bám mãi trên da mặt như nám mảng, tàn nhang, đốm nâu, hay các vết thâm, v.v… Trong khuôn khổ của bài viết này, Dược sĩ Tiến sẽ thảo luận về các vết thâm và phương hướng xử trí những vết thâm xấu xí này.

Vết thâm là gì?

Vết thâm, hay thuật ngữ chuyên môn còn gọi là tăng sắc tố sau viêm (Post Inflammation Hyperpigmentation – PIH), là tình trạng các tế bào sắc tố tăng cường hoạt động sản sinh nhiều sắc tố melanin tại vùng da bị viêm hay tổn thương trước đó, ví dụ như các vết thâm do mụn để lại, vết thâm do bỏng, hay tình trạng tăng sắc tố do laser, v.v… Về biểu hiện lâm sàng, tăng sắc tố sau viêm có thể nằm rời rạc từng đốm theo các vết tổn thương như trường hợp thâm mụn, hoặc cũng có liền lạc thành từng mảng và dễ nhầm lẫn với nám mảng như trường hợp tăng sắc tố do bỏng hay tăng sắc tố sau laser. Điểm khác biệt dễ nhận biết của tăng sắc tố sau viêm so với các trường hợp rối loạn sắc tố khác là đã có một tổn thương hay một phản ứng viêm tại vị trí đó trước khi hình thành sắc tố.

Cần nhận biết rõ từng giai đoạn, hay từng dạng của vết thâm để có thể định hướng phương thức xử lý đúng đắn và phù hợp. Thông thường, sau một tổn thương quá mức sẽ hình thành vết thâm màu đỏ trước khi màu đỏ đó phai dần và chuyển hẳn thành một vết tăng sắc tố màu nâu/đen. Loại da càng tối màu (phân loại Fitzpatrick nhóm IV, V và VI) thì nguy cơ tăng sắc tố/tạo sẹo sau một tổn thương càng cao, do hoạt tính tế bào sắc tố melanocyte mạnh mẽ hơn cũng như kích thước túi chứa sắc tố melanosome to hơn, nhiều hơn và phân hủy chậm hơn.

So sánh tế bào sắc tố giữa da tối màu và da sáng màu

Xử lý vết thâm màu đỏ

Các vết thâm màu đỏ thường là giai đoạn sớm của quá trình hình thành vết thâm, khi mà phản ứng viêm chưa kết thúc hoàn toàn hoặc vừa mới kết thúc, tổ chức da ở vùng tổn thương chưa được tái tạo đầy đủ hay các tổn thương hệ mạch chưa được khôi phục và huyết sắc tố chưa được đào thải. Thông thường, định hướng đối với các vết thâm dạng này cần tác động nhẹ nhàng theo hướng kích thích quá trình hồi phục của tổn thương và kết thúc hoàn toàn phản ứng viêm trước đó, đồng thời kìm hãm quá trình sản sinh sắc tố quá mức sau viêm. Cần tránh các liệu pháp trị liệu mang tính xâm lấn hay kích ứng, tránh việc kích thích một phản ứng viêm mới khi phản ứng viêm trước đó chưa kết thúc hoặc khi tổn thương chưa hồi phục hoàn toàn.

Trong trường hợp các vết thâm đỏ tương đối ít và nhẹ nhàng, tổn thương không quá sâu mà chỉ khu trú nông trên bề mặt, chúng ta có thể cải thiện hoặc xóa bỏ các vết thâm đỏ bằng các liệu pháp chăm sóc da tại nhà như sau:

– Bôi dịch chiết tế bào gốc hoặc PRP (Platelet Rich Plasma – Huyết tương giàu tiểu cầu): các yếu tố tăng trưởng như yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (VEGF), yếu tổ tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF), yếu tố tăng trưởng nguồn gốc tiểu cầu (PDGF), yếu tố tăng trưởng chuyển đổi beta (TGF-β), v.v… sẽ giúp tổn thương mau lành, ngăn ngừa sẹo, kích thích tăng sinh collagen, elastin và tăng trưởng biểu bì để tái cấu trúc da vùng tổn thương, kích thích tăng sinh hệ mạch. Tuy nhiên cần lưu ý đối với da dầu hay da đang bị mụn vì dễ có nguy cơ nổi mụn nhiều hơn do đẩy nhanh tốc độ sừng hóa gây tắc nghẽn. Có thể hạn chế việc nổi mụn bằng cách không bôi lên vùng da lành mà chỉ bôi khu trú trên vùng da bị tổn thương mà thôi.

Các yếu tố tăng trưởng trong PRP

– Sử dụng kem bôi có chứa vitamin K và/hoặc chiết xuất Arnica giúp thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương hệ mạch và đào thải huyết sắc tố để loại trừ các vết thâm đỏ nhanh chóng hơn.

– Sử dụng các sản phẩm làm trắng không chứa các loại acid hữu cơ gây bong da để ức chế quá trình sản sinh sắc tố sau viêm mà không gây kích ứng da cũng như không kích thích một phản ứng viêm mới làm vết thâm đỏ nhiều hơn.

– Tẩy da chết nhẹ nhàng dạng gel tạo cuộn (2 lần / tuần vào buổi tối) hoặc đắp sữa chua không đường khoảng 1-2 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 10 – 15 phút sau đó rửa sạch. Việc tẩy da chết nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn và tái tạo da nhanh chóng hơn, đồng thời ngăn ngừa việc tích lũy sắc tố melanin sau viêm. Tất nhiên việc này cần được thực hiện nhẹ nhàng nhất có thể để không làm da bị kích ứng và đỏ thêm.

– Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và bôi kem chống nắng thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tăng sắc tố sau viêm.

Trong trường hợp các liệu pháp chăm sóc tại nhà đối với các vết thâm đỏ tỏ ra kém hiệu quả do tổn thương quá nhiều và quá sâu, hoặc nhu cầu xóa bỏ vết thâm đỏ cần phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể, thì liệu pháp trị liệu bằng laser xung dài tại các phòng khám da liễu, thẩm mỹ viện hay các spa sẽ là lựa chọn tối ưu. Laser xung dài với độ rộng xung hàng miligiây sẽ tác động sâu xuống trung bì nhú và trung bì lưới, nơi xảy ra các tổn thương hệ mạch, và được hấp thu chọn lọc bởi các huyết sắc tố sẽ hình thành cơ chế quang nhiệt chọn lọc để phân hủy chọn lọc các huyết sắc tố này và giúp cơ thể đào thải chúng ra ngoài nhanh hơn rất nhiều.

Trị liệu bằng laser xung dài

Xử lý các vết thâm màu đen

Các vết thâm đen thường xuất hiện khi phản ứng viêm đã kết thúc hoàn toàn, vùng da tổn thương đã tương đối lành lặn và các thương tổn hệ mạch hầu như không còn nữa. Phản ứng sản sinh sắc tố thông thường sẽ dừng lại và không tiếp diễn nữa nếu như chúng ta không kích hoạt phản ứng viêm mới (trừ một số trường hợp rất đặc biệt tổn thương sâu hoặc tổn thương khi da còn non/trẻ làm rối loạn điểm đẳng sắc của làn da – vấn đề này ít gặp nhưng khá phức tạp và sẽ được bàn sâu hơn ở những bài biết khác).

Chính vì đặc điểm phản ứng viêm đã kết thúc, tổn thương đã lành và quá trình sản sinh sắc tố đã dừng lại hoàn toàn nên định hướng trị liệu đối với các vết thâm màu đen là bóc tách nhẹ nhàng để lấy đi các sắc tố melanin đang có sẵn trên da. Bóc tách cần đủ mạnh để lấy được càng nhiều sắc tố melanin hiện có càng tốt, nhưng đồng thời cũng phải đủ nhẹ nhàng để không vô tình làm kích hoạt một phản ứng viêm mới và lại hình thành một quá trình tăng sắc tố mới.

Xử lý tại nhà có thể kể đến như: tẩy da chết thường xuyên (2-3 lần / tuần bằng cơ chế vật lý hay hóa học), sử dụng các loại sản phẩm làm trắng có chứa acid bong da hoặc không (có chứa acid đối với da dày khỏe, ít tiếp xúc ánh nắng; sử dụng loại không chứa acid đối với da mỏng, yếu hoặc tiếp xúc nhiều với nắng), chống nắng kỹ và thường xuyên, ngay cả khi trong nhà.

Trị liệu bằng phương pháp thay da hóa học

Xử lý chuyên nghiệp tại các phòng khám da liễu, các spa hay thẩm mỹ viện có thể kể đến như thay da sinh học (có thể là thay da hóa học hay thay da vật lý bằng vi tảo, tùy thuộc da dầu hay da khô và các vấn đề đi kèm) hoặc nếu không muốn bong tróc hay không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt/giao tiếp hay công việc thì có thể lựa chọn liệu pháp chiếu laser xung ngắn bằng kỹ thuật toning để xóa bỏ vết thâm dần dần mà không gây tổn thương da.

Trị liệu bằng laser xung ngắn

Tóm lại, các vết thâm hay tăng sắc tố sau viêm (PIH) nếu được xác định và điều trị đúng thì có thể dễ dàng cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu áp dụng sai định hướng hay sai phương pháp sẽ dễ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tăng sắc tố sâu hơn và rộng hơn, tạo sẹo do tổn thương quá mức, hoặc thậm chí là gây mất sắc tố vĩnh viễn.

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Trẻ hóa vùng mắt – bằng cách nào và khi nào là cần thiết?

Lão hóa và những vết dấu của thời gian in hằn trên khuôn mặt là nỗi ám ảnh của tất cả những tín đồ đam mê cái đẹp và làm đẹp. Có thể, tất cả chúng ta đều biết được rằng duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ chất, sinh hoạt lành mạnh, cũng như một chế độ dưỡng da phù hợp là bí quyết để duy trì tuổi thanh xuân, cũng như ngăn ngừa các dấu hiệu của lão hóa, nhưng một khi lão hóa đã bắt đầu xuất hiện và các dấu vết thời gian bắt đầu in hằn, thì không mấy người trong chúng ta biết được phương pháp nào là phù hợp nhất với mình trong giai đoạn này để xua tan những biểu hiện đó, đặc biệt là đối với vùng da xung quanh mắt – vùng da mỏng manh nhất và xuất hiện lão hóa sớm nhất trên khuôn mặt.

Dược sĩ Tiến – thành viên Viện Hàn lâm Thẩm mỹ Nội khoa Hoa Kỳ, Hội đồng chuyên môn Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017

Khi lão hóa chưa xuất hiện

Trong giai đoạn này, vùng da xung quanh mắt vẫn ẩm mượt, vẫn đầy đặn, phẳng mịn và chưa có bất kỳ dấu hiệu lão hóa nào. Đây là giai đoạn tốt nhất để dưỡng ẩm, chống lại hiện tượng mất nước xuyên biểu bì, cũng như cung cấp nguồn dưỡng chất và các chất chống oxy hóa phong phú từ các loại kem dưỡng chuyên biệt cho vùng mắt. Bên cạnh đó, việc sử dụng kem chống nắng phù hợp và thường xuyên đeo kính mát có độ lọc tia UV cao cũng hết sức cần thiết để bảo vệ vùng da xung quanh mắt khỏi lão hóa quang hóa gây ra do tia tử ngoại.

Khi bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn động

Nếp nhăn động là những nếp nhăn xuất hiện do sự cử động của các biểu cảm khuôn mặt thực hiện bởi sự co của một số cơ chuyên biệt. Nếp nhăn động xung quanh vùng mắt thường liên quan đến sự co của cơ vòng xung quanh mắt (orbicularis oculi) tạo nên các vết chân chim khi cười. Ở giai đoạn này, liệu pháp chữa trị nếp nhăn thường được các bác sĩ chỉ định là tiêm botulinum toxin – đây là một loại độc tố vi khuẩn có khả năng gây liệt cơ, khi được sử dụng ở liều lượng thấp với kỹ thuật tiêm chính xác có thể hạn chế sự co của một số cơ tạo nên nếp nhăn động để loại trừ 60 – 80% các nếp nhăn động chỉ 3 – 4 ngày sau khi tiêm. Việc tiêm botulinum toxin cần được thực hiện đúng liều lượng và đúng kỹ thuật bởi những bác sĩ được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm để tránh các tai biến gây liệt cơ hay đơ cứng mặt. Việc tiêm botulinum toxin để xóa bỏ các nếp nhăn động trong giai đoạn này cũng được cho rằng có khả năng ngăn ngừa sự hình thành các nếp nhăn tĩnh (là những nếp nhăn hằn sâu trên da ngay cả khi không thực hiện cử động cơ mặt). Bên cạnh việc tiêm botulinum toxin, liệu pháp cấy chỉ hay việc sử dụng các loại mỹ phẩm bôi có chứa Argireline (acetyl hexapeptide-3) cũng có khả năng làm giảm nếp nhăn động, mặc dù hiệu quả kém hơn nhưng nguy cơ tai biến / tác dụng phụ cũng thấp hơn rất nhiều so với botulinum toxin.

Khi bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn tĩnh

Việc cử động co cơ diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài dễ hình thành các nếp nhăn tĩnh, là những nếp nhăn xuất hiện ngay cả khi không có những cử động của cơ mặt. Nếp nhăn tĩnh là biểu hiện của sự thiếu hụt thể tích, sự thất thoát của các sợi collagen, elastine và acid hyaluronic ở lớp trung bì. Các nếp nhăn tĩnh này có thể xuất hiện thành các vết chân chim in hằn ở đuôi mắt, hay những nếp nhăn và sự lõm sâu của vùng da mí dưới, hay có thể là sự đổ sụp nhẹ của vùng da mí trên. Ở giai đoạn này, bên cạnh việc dưỡng ẩm và sử dụng các loại kem chống lão hóa cho vùng mặt, thì việc can thiệp bằng một công nghệ hơi mang tính xâm lấn hơn, nhằm tạo những thương tổn lành tính và kích thích việc sản sinh collagen, elastine, cũng như tăng cường sản xuất acid hyaluronic cho lớp trung bì là hoàn toàn cần thiết. Công nghệ lăn kim hay phi kim, kết hợp với vitamin C, hay các loại dịch chiết môi trường nuôi cấy tế bào gốc giàu các yếu tố tăng trưởng sẽ giúp cải thiện đáng kể độ đàn hồi, thể tích và làm mờ các nếp nhăn cạn. Công nghệ mesotherapy (tiêm trong da) kết hợp acid glycolic, vitamin C, natri pyruvate, collagen hòa tan, acid hyaluronic hay PRP (platelet rich plasma – huyết tương giàu tiểu cầu) cũng là một giải pháp nội khoa xâm lấn tối thiểu đang được sử dụng đơn lẻ, hay kết hợp với các phương pháp khác trong việc xóa bỏ các nếp nhăn tĩnh xung quanh vùng mắt, và khắc phục sự thiếu hụt thể tích của vùng da mí dưới. Gần đây nhất, có thể kể đến công nghệ vi kim điện từ (needle RF) có bản chất là những đầu kim mảnh đâm xuyên qua da vùng mắt và phát ra sóng điện từ RF để kích thích tối ưu quá trình tăng cường sản sinh collagen, elastine và acid hyaluronic cho vùng da lão hóa, giúp tăng cường thể tích để làm đầy và khắc phục các nếp nhăn tĩnh. Liệu pháp vi kim điện từ thường sẽ phát huy tác dụng sau 4 – 6 buổi trị liệu, khoảng cách 2 – 3 tuần / buổi, giúp tăng làm đầy vùng mí dưới, xóa vết chân chim đuôi mắt và nâng mí trên bị sụp.

Khi đã có dấu hiệu thừa da và bọng mõ

Đây là giai đoạn mà các liệu pháp dưỡng da thông thường hay các phương pháp trị liệu nội khoa xâm lấn tối thiểu không phẫu thuật sẽ tỏ ra kém hiệu quả. Lúc này, các biện pháp thẩm mỹ ngoại khoa mới có thể mang lại hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng, và thường đòi hỏi thời gian nghỉ dưỡng trước khi hồi phục hoàn toàn. Cần lựa chọn những phòng khám thẩm mỹ, thẩm mỹ viện hay bệnh viện thẩm mỹ uy tín, bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm để đạt được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất và hạn chế tối đa các nguy cơ, tai biến hay rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, hay sau đó là những biến chứng sau phẫu thuật khiến cho sản phẩm không đạt được độ thẩm mỹ nhưng mong muốn hay kỳ vọng. Cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ về cách chăm sóc tại nhà, cũng như tái khám định kỳ theo lịch hẹn nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả thẩm mỹ là cao nhất.

 

Dược sĩ Tiến

*Nếu các bạn yêu thích các bài viết của Dược sĩ Tiến thì hãy kéo xuống gần cuối màn hình để điền tên và email vào biểu mẫu đăng ký nhé. Đăng ký xong thì các bạn sẽ dễ dàng theo dõi bài viết mới hơn vì sẽ được gửi email thông báo mỗi khi duocsitien.vn có bài viết mới. ^^

Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.
Dược sĩ Tiến - Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare và làm đẹp bằng thẩm mỹ nội khoa. Website là nơi Dược sĩ Tiến chia sẻ những bài viết, những video clip kiến thức liên quan đến skincare.

Copyright © DƯỢC SĨ TIẾN. All rights reserved 2021.