Th7 01/21 by duocsitien

Phản hồi các thắc mắc về Niacinamide/Nicotinic Acid (ngày 01/07/2021)

Thiệt là khổ quá mà. Cái status mà Tiến đăng ngày hôm qua chỉ là 1 cái tus yêu cầu bạn cung cấp dẫn chứng khoa học cho những thông tin mà bạn nêu ra trong bài phản biện của bạn, chứ Tiến có phản biện hay chứng minh bất cứ điều gì trong đó đâu mà bạn cũng bắt bẻ là Tiến không cung cấp thông tin số liệu, dẫn chứng cụ thể. Còn bài viết chính thức của Tiến trước đó cung cấp đầy đủ dẫn chứng, chụp hình từng quyển sách trang sách, screenshot lại từng bài báo cáo khoa học thì bạn bảo “Phản biện ngắn thôi nhóe, nói ít thôi, nói nhiều chạy loanh quanh.”

Thôi, không nói ngoài lề nữa. Mình đi vào nội dung chính nhé. Tiến sẽ phản hồi và cung cấp minh chứng cụ thể cho những sai sót trong lập luận cũng như những thông tin mà bạn đưa ra, cũng như sẽ trả lời những thắc mắc của bạn trong 2 bài bạn viết gần đây.

1. Bạn nói rằng bs Mạnh chỉ có 1 case lâm sàng bị tai biến, còn bạn có hàng trăm case uống niaciamide không bị flushing. Vậy cái nào đang tin cậy hơn? Tiến nghĩ mình cần phân tích rõ hơn về phương pháp tư duy.

  • Chỉ cần 1 case bị tai biến thì mình đã có cơ sở để khuyên mọi người cẩn thận, vì dù ít dù nhiều, dù tỉ lệ rủi ro cao hay thấp, thì tai biến cũng có thể xảy ra. Nên, hãy cẩn thận là trên hết.
  • Nhưng cho dù bạn có 100 case, hay 1000 case lâm sàng uống niacinamide không bị flushing thì cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng flushing sẽ không xảy ra với bất kì ai dùng niacinamide.

2. “Ngoại suy” là một kĩ năng cần thiết trong quá trình làm nghiên cứu khoa học. và hầu như tất cả các bài bào khoa học, sau khi công bố kết quả thí nghiệm, các tác giả đều phải đưa ra lập luận và suy luận của mình để kết luận về kết quả. Điều này là đúng đắn và cần thiết. Tiến chưa bao giờ chỉ trích việc bạn suy luận dựa trên các thông tin đã được kiểm chứng hết. Tuy nhiên, việc bạn dùng lý luận rằng uống nicotinic acid (niacin) thì bị flushing, còn uống nicotinamide thì không bị flushing để suy luận về sự chuyển hoá của nicotinamide thành niacin trong cơ thể, thực sự có vấn đề về cả phương pháp tư duy lẫn tính chính xác của thông tin ban đầu.

  • Vần đề trong phương thức tư duy: flushing là tác dụng phụ của việc uống niacin, chứ không phải tác dụng chính và không xảy ra ở tất cả mọi người. Nên việc lấy tác dụng flushing để xem xét sự hiện diện của niacin là không chính xác, vì có nhiều người vẫn uống niacin mà có bị flushing đâu nè. Giờ Tiến đưa ra minh chứng cho 2 ý nhỏ của mình: flushing là tác dụng phụ, và flushing không xảy ra ở tất cả mọi người uống niacin.
    • Theo Tạp chí Quốc tế về Thực hành Lâm Sàng (Internation Journal of Clinical Practice, phát hành tháng 09 năm 2009, số 63(9), trang 1369, có đề cập flushing là 1 tác dụng phụ phổ biến của niacin.
    • Theo Tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ (The American Journal of Medicine, số 99, trang 379), chỉ có 18 người bị flushing trong số 63 người sử dụng acid nicotinic (niacin)
  • Thông tin đưa ra chưa chính xác: bạn nói rằng uống nicotinamide không bị flushing, và yêu cầu Tiến tìm ca lâm sàng nào uống nicotiniamide bị flushing để gửi bạn xem. Tiến xin phép gửi 3 bài báo chứng minh uống nicotinamide có gây flushing, trong đó có 1 bài liệt kê flushing là tác dụng phụ khi uống nicotinamide, và 2 bài là nghiên cứu trực tiếp trên bệnh nhân uống nicotinamide và bị flushing trong thời gian sử dụng.
    • Theo Tạp chí Diabetologia (2000) số 43, tại trang 1341 có thống kê về các tác dụng phụ khi uống niaciamide, và flushing là tác dụng phụ được liệt kê đầu tiên trong bảng này.
    • Theo quyển Acta Oncologica của nhà xuất bản Taylor & Francis, số 35 (2),  tại trang 214, có bảng thống kê thí nghiệm trên 6 người dùng niacinamide thì có 1 người bị flushing nghiêm trọng (severe flushing).
    • Theo công bố của tiến sĩ Frank Bures trên Tạp chí của Viện Hàn Lâm Da Liễu Hoa Kỳ, trong số 8 bệnh nhân gặp tác dụng phu khi sử dụng niacinamide, có 3 bệnh nhân là bị flushing.

3. Trong bài phản biện của bạn, bạn có screenshot lại 1 đoạn trong bài báo khẳng định là “chưa có chứng cứ chứng minh sự chuyển hoá nicotinamide thành nicotinic acid trong cơ thể người và loài gậm nhắm“. Điều đáng nói là, bài báo này của bạn lại đưa ra khẳng định đó dựa trên việc tham khảo thông tin và kết luận của 1 bài báo khác xuất bản năm 1995, tức là hơn 25 năm về trước. Hichic. Bạn ơi, từ sau 1995 đến nay, có nhiều thông tin và thí nghiệm thực tế trên cơ thể người chứng minh có sự chuyển hoá nicotinamide thành nicotinic acid lắm rồi bạn ạ. Tiến xin đưa ra 3 bài minh chứng dưới đây.

  •  Trong Tạp chí Spychosomatics, số 8(2), trang 96, tiến sĩ bác sĩ A. Hofer có đưa ra sơ đồ chuyển hoá của niacinamide và nicotinic acid. Các bạn có thể thấy, NAM (niacinamide) có thể chuyển hoá thành NAC (nicotinic acid) và con đường chuyển hoá này bị ảnh hưởng bởi tuyến yên khi có tác động của stress.
  • Trong một thí nghiệm được đăng tải trên Tạp chí Ung Thư Anh Quốc (British Journal of Cancer), số 74 tại trang 19, các bệnh nhân uống 3g nicotinamide thì chỉ sau mấy mươi phút, đã có nicotinic acid xuất hiện trong nước bọt của họ.
  • Tác giả là Joseph Dipalma, khoa Dược lý & Hoá Sinh của Trường đại học Hahneman đã từng công bố trên Tạp chí Annual Review về lượng nicotinic acid bị thảo thải qua nước tiểu khi sử dụng niacinamide đường uống.

4. Trích dẫn nguyên văn của bạn trong bài phản biện: “Ờm bên trên thì anh đòi khoa học trong khi bài anh viết chả có số liệu cụ thể nào: ‘chỉ cần một lượng rất nhỏ’, ‘nhanh gấp nhiều lần’? Lượng nhỏ là nhiêu, nhiều là nhiều tn hở anh? Là 1p hay 30p hay 5 giờ hay 75 giờ?

  • Bạn ơi, như Tiến đã nói, cái status chỉ là cái status yêu cầu bạn cung cấp tài liệu dẫn chứng cho các thông tin mà bạn đưa ra, chứ không phải là bài phản hồi hay phản biện gì của Tiến hết. Vậy mà bạn cũng bắt bẻ Tiến không cung cấp số liệu. Bạn xem lại đi, các bài tổng hợp và phản biện của Tiến đều cung cấp và dẫn chứng rất nhiều nguồn tài liệu tin cậy từ các nghiên cứu và báo cáo hết á.
  • Tiến quan niệm là, Tiến và các bạn có thể không cùng ngành học đại học, nên hầu hết các kiến thức chuyên ngành Tiến đều cố gắng giải thích và dẫn chứng cụ thể để người trong và ngoài ngành đều có thể hiểu và tin được. Nhưng mà, 12 năm học phổ thông tụi mình đều học như nhau mà, giờ các kiến thức phổ thông về enzyme và chất xúc tác (học năm lớp 8, lớp 9) mà các bạn cũng bắt Tiến chứng minh lại thì liệu có quá đáng lắm không??? Nhưng OK, các bạn đòi thì Tiến cũng sẽ cung cấp dẫn chứng.
    • Về việc, chất xúc tác chỉ cần 1 lượng rất nhỏ. Các bạn chế giễu, cười cợt Tiến, nói rằng làm khoa học mà mở miệng ra “1 lượng rất nhỏ là sao? rất nhỏ là bao nhiêu?”. Tiến xin dẫn chứng các nguồn dưới đây, các nhà khoa học khác cũng dùng từ một lượng rất nhỏ y như vậy.
      • Trang BBC.co.uk cũng dùng từ lượng rất nhỏ (very small amount) và lượng lớn chất phản ứng (large amount of reactants) nè các bạn. ^^
      • Hay theo tác giả Richard Pagni dẫn trích ra từ quyển Chemistry in The Community (2nd Edition), cũng dùng từ lượng nhỏ (small amount).
      • Hay theo quyển National Academy of Sciences (xuất bản năm 2012), cũng nói rằng một lượng rất nhỏ chất xúc tác có thể tạo thành nhiều mol sản phẩm với tốc độ phản ứng rất cao (họ cũng dùng từ rất nhỏ, nhiều và rất cao đấy ạ) ^^
    • Về việc Tiến nói “nhanh gấp nhiều lần” các bạn cũng không chấp nhận và hỏi nhiều là nhiều như nào. Tiến xin đưa ra câu trả lời và dẫn chứng cụ thể.
      • Theo giáo trình Hoá Sinh (BioChemistry, 5th edition) của tiến sĩ Richard A. Harvey và tiến sĩ Denise R. Ferrier, trang 54, phản ứng có enzyme xúc tác sẽ nhanh hơn từ 1000 lần đến 100 triệu lần. Vậy đủ nhanh chưa ạ? ^^
      • Tiến dẫn lại kết quả nghiên cứu mà Tiến đã đề cập trong bài viết trước: Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).

5. Trích dẫn nguyên văn của bạn: “Anh nói đúng, không phải trên da giống ống nghiệm nhưng tôi chưa mù, anh lấy thí nghiệm về arbutin trong ấm với khuẩn chứ cũng có phải trên da đâu mà hệ sinh thái với cả trên da?

  • Bạn ơi, tác dụng chuyển hoá của da nhờ vào hệ vi sinh là do tác giả kết luận sau khi tiến hành thí nghiệm đó, chứ hông phải kết luận chủ quan của Tiến. Tiến chỉ trích dẫn nghiên cứu và kết luận của tác giả cho các bạn đọc mà thôi ạ. Tiến gửi bằng chứng ạ.
    • Tại trang 192 của Tạp chí da liễu thẩm mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology, số 7, được xuất bản bở Wiley Periodicals Inc. năm 2008), tác giả có ngoại suy ra kết quả sau: “These findings suggest that arbutin may be partially hydrolyzed to hydroquinone by normal skin microflora, and that skin lightening may be due to arbutin itself as well as its metabolite hydroquinone.” (do cái này nằm trên 2 cột, 1 cái cuối cột dưới, 1 cái đầu cột trên nên Tiến ko screenshot được mà copy paste cho mọi người xem nguyên văn)
  • Ngoài ra, cũng có nghiên cứu khác nói về tác dụng chuyển hoá của hệ vi sinh trên da. Tiến cũng dẫn thêm ra đây để cho bạn tham khảo luôn.
    • Theo Tạp chí Dược lý Da và Sinh lý Da ứng dụng (2001) số 14, trang 201, hệ vi sinh trên da có thể chuyển hoá các thuốc bôi ngoài da.

6. Nói tiếp về vấn đề độ bền của liên kết amide: các bạn dẫn ra 1 vài trang web và blog cá nhân khẳng định rằng liên kết amide là liên kết bền. Tiến không hề phản đối, và chưa bao giờ nói các bạn sai khi nói liên kết amide là liên kết bền. Tuy nhiên, Tiến cũng dẫn ra được 2 quyển sách Hoá Dược chuyên ngành của 2 nhà xuất bản uy tín thế giới, liệt kê liên kết amide vào nhóm các liên kết dễ bị thuỷ phân và cần chú ý khi bào chế hay sử dụng thuốc. (các bạn có thể tham khảo link bài viết trước ở đây http://duocsitien.vn/nen-ket-hop-niacinamide-va-bha-khong/ )

  • Các bạn ơi, Tiến tôn trọng lập trường và quan điểm của các bạn dưới góc nhìn của 1 nhà hoá học, xem niacinamide là 1 hoá chất thông thường như bao hoá chất thông thường khác. Nên Tiến cũng mong các bạn tôn trọng quan điểm và lập trường của Tiến dưới góc nhìn của 1 người làm y khoa, xem niacinamide là 1 hoạt chất chính và ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng. Đừng dùng thái độ giễu cợt, cười nhạo, hay xúc xiểm bằng những lời nhạo báng kiểu như “ông này chắc học dốt hoá hữu cơ”, “ổng mà biết đọc thành phần chắc sẽ không nói vậy”, “không biết hồi đó ai dạy hoá cho ông này”, “ngộ dị, một chất bền từ bên hoá mà qua bên y lại thành kém bền”, “học ít rất dễ bị dắt mũi”, .v.v… khi người ta có góc nhìn khác, không cùng ngành nghề và không cùng quan điểm với mình. Chẳng phải từ nhỏ chúng ta đã luôn được dạy rằng, bất kì ngành nghề nào trong xã hội cũng đáng được tôn trọng hay sao?
  • Tiến giải thích thêm về việc tại sao trong hoá hữu cơ thì amide là liên kết bền, còn qua tới hoá dược lại kém bền.
    • Tiến dẫn lại kết quả nghiên cứu mà Tiến đã đề cập trong bài viết trước: Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 330 lần) và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút (tốc độ thuỷ phân tăng nhanh gấp 48 ngàn lần).
    • Đun nóng ở gần 90 độ C mà mất tận 1000 ngày mới chỉ thuỷ phân được 1 nửa lượng niacinamide, cho nên các bạn nói rằng liên kết amide này bền là hoàn toàn đúng. Nhưng các bạn ơi, ngay cả đang ở pH tối ưu thì 1000 ngày thí nghiệm trong phòng lab là dài, nhưng 1000 ngày nằm trong sản phẩm với vai trò là hoạt chất thì vẫn còn ngắn lắm. 1000 ngày còn chưa tới được 03 năm, nghĩa là từ lúc sản xuất ra sản phẩm cho tới lúc vẫn chưa hết hạn dùng mà nồng độ hoạt chất đã thuyên giảm đáng kể rồi. Nhắc lại trong bối cảnh dược phẩm, nếu trong thời gian nằm trên kệ (trước khi hết hạn), thanh tra y tế mang sản phẩm ra kiểm nghiệm mà hàm lượng hoạt chất rớt xuống thấp hơn 95% so với hàm lượng công bố trên nhãn, thì sản phẩm sẽ bị đánh giá là không đạt chất lượng, sẽ bị Cục Quản Lý Dược rút phiếu công bố và ra công văn yêu cầu thu hồi trên toàn quốc và mang đi tiêu huỷ. Các bạn có tưởng được là điều này sẽ gây thiệt hại khủng khiếp như thế nào tới brand hay không? và chưa kể, ảnh hưởng to lớn của nó tới sức khoẻ người dùng trong thời gian nó lưu hành trên thị trường trước khi bị thu hồi hay không? Vậy nếu ngành khoa học về sức khoẻ mà không đưa ra những tiêu chí gắt gao hơn trong việc đánh giá xếp loại độ bền của hoạt chất, thì thiệt hại không chỉ là tiền, mà còn là tính mạng con người, các bạn ạ. Vậy nếu vì tính mạng con người, ngành hoá dược xếp liên kết amide thành liên kết kém bền để các y bác sĩ, dược sĩ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng cho bệnh nhân hay lưu tâm tới điều kiện tối ưu trong bào chế sản phẩm, vậy là đúng hay sai? Và có đáng nhận những lời sỉ vả, xúc xiểm của các bạn hay không?
    • Yesssss, các bạn là người tiêu dùng, các bạn chỉ quan tâm 30 phút hoạt chất nằm trên da. Nhưng tụi Tiến là những người làm y khoa, tụi Tiến quan tâm đến 3 năm nằm trên kệ, trước khi tới tay người dùng. Chúng ta không ai sai cả, chỉ đơn giản là khác góc nhìn.
  • Bạn có vẻ hiểu sai về ý của Tiến khi đề cập tới vấn đề sản phẩm hết date. Tiến không nói là các bạn bôi sản phẩm hết date lên mặt, mà Tiến đang nói là khi hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm giảm xuống dưới 95% hàm lượng ghi trên nhãn, thì sản phẩm bị xem là hết date. Các bạn có bao giờ thắc mắc là tại sao 1 sản phẩm mới sản xuất lần đầu, mới ra lò có mấy ngày, chưa biết thế nào mà nhà sản xuất họ dám in hạn sử dụng lên sản phẩm không ạ? Bởi vì trong ngành Dược có 1 phương pháp gọi là lão hoá cấp tốc. Người ta sẽ cho sản phẩm trải qua lão hoá cấp tốc và rút sản phẩm ra định lượng sau những khoảng thời gian nhất định, tương ứng với quy đổi ra thời gian thực tế khi nằm trên kệ ở điều kiện bình thường. Khi nào mẫu định lượng hoạt chất cho kết quả dưới 95% thì thời điểm đó sẽ được tính là thời điểm sản phẩm hết hạn dùng. Đây là thông tin Tiến cung cấp thêm cho các bạn tham khảo thôi, chứ không liên quan tới vấn đề phản biện, nên đừng bắt Tiến cung cấp dẫn chứng rồi giải thích này nọ nhé. Tiến bị áp lực thật sự, giờ viết cái này còn hơn là soạn bài giảng đi dạy cho sinh viên Dược đại học nữa. Khổ tâm dã man á ^^~.

7. Về vấn đề hoạt tính của enzyme, Tiến xin cap lại 1 đoạn của các bạn như sau:

Về vấn đề này, Tiến xin lỗi các bạn. Tiến hiểu nhầm ý các bạn, tưởng các bạn nói là biến tính và bất hoạt enzyme. Nhưng nếu các bạn chỉ nói là giảm hiệu suất enzyme thì Tiến hoàn toàn đồng tình ạ. VÀ YESSSSS, hoạt tính enzyme bị giảm, nhưng khi có mặt enzyme thì phản ứng vẫn sẽ nhanh hơn khi không có mặt enzyme, dù rằng hoạt tính enzyme đã giảm, đúng không?

8. Về vấn đề các bạn yêu cầu Tiến cung cấp số liệu chính xác là ở pH = 2.5, với sự xúc tác của enzyme thì tốc độ thuỷ phân của niacinamide là bao nhiêu và giải phóng ra bao nhiêu niacin trong vòng 30 phút?

  • Tiến thấy tụi mình đang làm việc bị sai quy trình á. Lúc đầu, các bạn bảo là có thí nghiệm thực hiện đun nóng 90 độ C trong 3 ngày ở pH thấp thì mới thuỷ phân được niacinamide, từ đó nói rằng da mặt mình đun lên 90 độ cho chín luôn thì mới có nicotinic acid tạo thành, các bạn bảo Tiến cung cấp minh chứng là trên da có men gì thuỷ phân niacinamide đi sau khi Tiến đăng tus nói về enzyme trên trang cá nhân của Tiến. Nhận được đề nghị đó, Tiến mới viết bài tổng hợp để đề cập đến vấn đề điều kiện đó là điều kiện trong ống nghiệm, còn trên da chúng ta có hệ vi sinh và hệ men nên phản ứng có thể xảy ra mà không cần điều kiện khắc nghiệt như vậy, cụ thể Tiến đã chứng minh luôn làn da có chức năng thuỷ phân, và chứng minh được lớp biểu bì có hoạt tính amidase (mà amidase là men thuỷ phân liên kết amide, và niacinamide chứa liên kết amide này). Xong, cái tự nhiên mấy bạn bắt Tiến cung cấp số liệu? Ủa, alo, cái gì ngộ vậy. Lẽ ra lúc này là tới phiên các bạn phản biện bằng cách chứng minh “niacinamide không thể bị thuỷ phân trên da” hoặc “lượng niacin sinh ra trên da không đủ để gây giãn mạch” chứ. Chừng nào các bạn phản biện được và chứng minh được đi thì mới tới phiên Tiến đưa ra bằng chứng về tốc độ thuỷ phân niacinamide để phản biện lại các bạn chứ nhỉ. Tại sao lúc nào cũng là Tiến phải cung cấp bằng chứng. Bạn phản biện thì bạn có trách nhiệm tự chứng minh điều mình nói, chứ hông phải đổ dồn cái trách nhiệm đó lên người Tiến. Rõ ràng, bài phản biện trước của các bạn rất hời hợt, tự đưa thông tin mà không dẫn nguồn, không chứng minh. Sau khi bị Tiến nhắc nhở thì mới chụp được vài cái bằng chứng, nhưng rồi cũng chỉ là những thông tin sai lệch và lạc hậu đến tận 25 năm ( như đã đề cập và chứng minh ở mục 1,2,3,4,5 bài viết này), rồi kể cả những kiến thức khoa học phổ thông từ năm lớp 8 lớp 9 mà các bạn cũng bắt Tiến phải chứng minh lại, và giễu cợt Tiến bằng cái giọng điệu “làm khoa học và vậy đó hả?”. Thiệt sự, Tiến dần cảm thấy bất lực và mệt mỏi trước cuộc thảo luận sai quy trình và không cân sức này.
  • Mà nói nghe nè mấy bạn, mình xem lại mục đích của bài viết tí đi. Mục đích của Tiến khi viết bài tổng hợp vừa rồi là để đưa ra cái kết luận và lời khuyên khi sử dụng kết hợp niacinamide và BHA. Và Tiến nghĩ, khi Tiến đưa ra thông tin và chứng minh về các men, là đã đủ cơ sở để nói phản ứng thuỷ phân niacinamide có thể xảy ra trên da, và từ đó rút ra kết luận là mọi người nên chú ý 1 chút, cẩn thận 1 chút trong việc phối hợp để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra thôi. Ủa, vậy thì nhiêu đó dữ liệu đã đủ đạt được mục đích đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng rồi, còn đưa thêm tốc độ chuyển hoá abcd này nọ để làm chi? Tiến đâu có trách nhiệm thoả mãn và giải đáp hết tất cả thắc mắc của mọi người trong vũ trụ. Mà giờ kêu Tiến cung cấp “số liệu chính xác là ở pH = 2.5, với sự xúc tác của enzyme thì tốc độ thuỷ phân của niacinamide là bao nhiêu và giải phóng ra bao nhiêu niacin trong vòng 30 phút” thì số liệu ở đâu ra mà Tiến cung cấp? Các nhà nghiên cứu dược học họ chỉ nghiên cứu về tốc độ chuyển hoá trên da của prodrug, tức là từ 1 chất không có hoạt tính sẽ nhờ hệ men trên da chuyển thành chất có hoạt tính (Tiến có thông tin từng lớp da chuyển hoá  số prodrug với tốc độ cụ thể bao nhiêu micromol/cm2 da/giờ luôn, nhưng không có của niacinamide vì niacinamide chưa được công nhận là prodrug trên da) , chứ người ta đâu có rảnh mà đi nghiên cứu chính xác chi li vô cái trường hợp pH=2.5 chuyển niacinamide thành nicotinic acid khi mà chuyển hoá này không quá phổ biến và không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khoẻ. Có thể các brand dược mỹ phẩm họ đã có nghiên cứu, nhưng họ không công bố mà chỉ để làm thông tin lưu hành nội bộ để tăng tính cạnh tranh trong công nghệ cho sản phẩm của họ mà thôi. Giống như bây giờ Tiến kêu các bạn tìm nghiên cứu chứng minh là tốc độ thuỷ phân niacinamide thành nicotinic trên da ở pH=2.5 là quá chậm và lượng niacin sinh ra không đủ gây giãn mạch thì các bạn tìm thử coi có nghiên cứu nào hay không? Tới phiên các bạn phản biện mà, thì các bạn có trách nhiệm phải chứng minh để phản biện lại Tiến chứ.
  • Rõ ràng, càng ngày cuộc tranh luận này bị đẩy lên thành cuộc chiến hơn thua và hiếu thắng, mang đầy năng lượng tiêu cực và xúc xiểm cá nhân, chứ không thượng tôn lợi ích của người tiêu dùng nữa, nên Tiến xin phép rút khỏi cuộc tranh luận hơn thua này. Thông tin và các minh chứng cần thiết Tiến đã cung cấp rồi. Kết luận và lời khuyên Tiến cũng đã đưa ra rồi, còn quyết định thế nào là tuỳ ở mỗi người. Làn da và sức khoẻ là của các bạn và không ai thay thế các bạn chịu trách nhiệm được. Tiến chúc các bạn sẽ đọc kĩ, nghĩ kĩ và tự mình đưa ra quyết định sáng suốt nhất để luôn khoẻ và đẹp an toàn.

CHÀO THÂN ÁI, TẠM BIỆT VÀ KẾT THÚC.

 

 

BÌNH LUẬN
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.