Th7 21/21 by duocsitien

Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?

Vitamin C (L-Ascorbic Acid) và Niacinamide là 2 thành phần hết sức quen thuộc và phổ biến đối với tất cả những tín đồ skincare đam mê dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng kết hợp 2 thành phần này trong quy trình skincare đã dấy lên không ít câu hỏi, cũng như tranh cãi về việc có nên sử dụng kết hợp 2 thành phần này với nhau hay không. Cho nên, hôm nay Tiến sẽ biết một bài tổng hợp các thông tin khoa học về vấn đề này, cũng như sẽ đưa ra lời khuyên cho các bạn về cách sử dụng 2 thành phần này nhé.

Trước khi vào bài, Tiến cần nói rõ, “kết hợp” mà mình thảo luận trong bài viết này là kết hợp trong cùng 1 lần skincare, tức là bôi sản phẩm chứa vitamin C dạng Ascorbic Acid trước, rồi bôi sản phẩm chứa Niacinamide sau, hoặc ngược lại. Còn tất nhiên, Tiến hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng Ascorbic Acid buổi này, và sử dụng Niacinamide buổi khác hoặc ngày khác, vì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da, không có gì phải bàn cãi cả.

Có chuyện gì xảy ra khi sử dụng kết hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và sản phẩm chứa NA?

  1. ẢNH HƯỞNG LÊN KHẢ NĂNG THẤM CỦA ASCORBIC ACID VÀO DA

    • Như chúng ta đều biết, pH có ảnh hưởng đến khả năng thấm của Ascorbic Acid qua da, và chính vì vậy hầu hết các sản phẩm chứa Ascorbic Acid đều được các nhà sản xuất nghiên cứu và bào chế ở một pH tối ưu nhất định (thường là pH thấp hơn 3.5) để khả năng thấm của Ascorbic Acid là cao nhất. Tiến xin dẫn chứng từ một bài báo trong Tạp chí Da liễu thẩm mỹ & lâm sàng (The Journal of Clinical & Aesthetic Dermatology) xuất bản tháng 06-2017, trang 14-15, có đề cập đến việc điều chỉnh pH xuống dưới 3.5 sẽ hỗ trợ rất tốt cho khả năng thấm của Ascorbic Acid vào da.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Ngược lại, Niacinamide lại thường được bào chế ở pH gần trung tính (thường là người ta sẽ điều chỉnh pH ~ 6) để đảm bảo sự bền vững của hoạt chất trong suốt quá trình bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng, trừ khi Niacinamide được thêm vào với mục đích khác không phải là hoạt chất, hoặc đã được tạo một phức bền với 1 chất nào khác để tránh hiện tượng thuỷ phân khi pH quá thấp hoặc quá cao (về sự thuỷ phân của Niacinamide, các bạn có thể xem chi tiết trong những bài viết trước của Tiến nhé). Trong các bài viết trước Tiến đã dẫn những khá nhiều về các nghiên cứu và sách vở rồi, ở đây Tiến sẽ dẫn chứng từ tài liệu kĩ thuật của 2 nhà sản xuất nguyên liệu là hãng Merck (Germany) và DSM (Switchzerland).
      • Trong tài liệu kĩ thuật của nguyên liệu Niacinamide tinh khiết do hãng Merck (Germany) sản xuất, có lưu ý rõ khoảng pH bền của Niacinamide là pH > 5 và pH < 7.5 (tài liệu dài, Tiến chỉ chụp tới khúc có nhắc pH bền).Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
      • Trong Product Data Sheet của nguyên liệu Niacinamide tinh khiết do hãng DSM (Switchzerland) sản xuất, cũng có lưu ý hiện tượng thuỷ phân Niacinamide thành nicotinic acid ở trong môi trường kiềm mạnh hoặc acid mạnh.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Chính vì sự khác biệt về pH của 2 sản phẩm, nên khi kết hợp chung trong cùng 1 lần skincare sẽ dễ dàng khiến cho pH tối ưu của Ascorbic Acid không còn được đảm bảo, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng thấm của Ascorbic Acid vào da. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng này tuỳ thuộc vào sản phẩm sử dụng và mức độ pH bị thay đổi khi phối hợp 2 sản phẩm. Đó là còn chưa kể đến một số tương kị về bào chế có thể xảy ra (ví dụ như pH thấp của sản phẩm chứa vitamin C có thể làm rã hệ gel của sản phẩm chứa vitamin B3 nếu sử dụng tá dược tạo đặc là carbopol, v.v…).
  2. ẢNH HƯỞNG LÊN TỐC ĐỘ PHÂN HUỶ CỦA ASCORBIC ACID

    • Theo Tạp chí khoa học mỹ phẩm quốc tế (Internation Journal of Cosmetic Science) số 34, xuất bản năm 2012, trang 127, sự hiện diện của riboflavin (RF) và nicotinamide (NA) đóng vai trò là chất khiến cho ascorbic acid (AH2) nhạy cảm quang và bị quang phân nhanh hơn trong công thức dạng cream (nhũ tương). Cần lưu ý là thí nghiệm này thực hiện trên công thức chứa AH2 riêng, AH2 + RF riêng, và AH2 + Niacinamide riêng để đánh giá sự ảnh hưởng riêng biệt của RF lên AH2 và của Niacinamide lên AH2.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Vì có nhiều nội dung và nằm rải rác ở nhiều trang hoặc nhiều cột trong cùng 1 trang, rất khó chụp từng ý nên Tiến tóm tắt lại các nội dung được đăng tải trên Tạp chí quang sinh & quang hoá (Journal of Photochemistry & Photobiology), số 182, xuất bản năm 2018 như sau:
      • Trang 117-118, kết quả phân tích sắc kí lớp mỏng cho thấy, dung dịch chỉ chứa ascorbic acid (AH2) khi bị chiếu UV có mức độ phân huỷ ít hơn so với dung dịch chứa AH2 + Niacinamide khi bị chiếu trong cùng điều kiện, đánh giá dựa trên mật độ (the intensisty) của vết dehydroascorbic acid (DHA) và vết 2,3-diketogulonic acid (DKA) trên bản sắc kí.
      • Trang 119, các dữ liệu động học cho thấy Niacinamide kích thích sự phân huỷ của ascorbic acid (AH2), và nồng độ Niacinamide càng cao thì tốc độ phân huỷ AH2 càng nhanh.
      • Trang 120, hằng số phản ứng quang phân ascorbic acid (AH2) trong dung dịch có chứa Niacinamide cao gấp 1.5 – 3.0 lần so với dung dịch AH2 không có chứa NA.
      • KẾT LUẬN: Kết quả cho thấy Niacinamide đẩy nhanh phản ứng quang phân huỷ ascorbic acid trong khoảng pH từ 2.0 – 12.0. Tốc độ phân huỷ càng nhanh khi nồng độ Niacinamide càng lớn cũng như khi độ pH càng cao.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
  3. ẢNH HƯỞNG LÊN HOẠT TÍNH CỦA ASCORBIC ACID

    • Vấn đề tiếp theo chúng ta cần xem xét, chính là sự kết hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid với sản phẩm chứa Niacinamide có làm ảnh hưởng đến tác dụng của từng chất này hay không? Liệu rằng sự phối hợp này có xảy ra phản ứng hoá học nào làm 2 chất trung hoà lẫn nhau và mất tác dụng cả hai như lời đồn đãi hay không?
    • Trước hết, Tiến sẽ sơ lược lại các bài báo và nghiên cứu có liên quan đến phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid để mọi người cùng nắm.
      • Phản ứng tạo màu vàng giữa Ascorbic Acid và Niacinamide được báo cáo lần đầu bởi Thomas Herrick Milhorat năm 1944, “A Color Reaction of Ascorbic Acid with Nicotinamide and Nicotinic Acid”
      • Công bố năm 1945, Bailey, Bright và Jasper đã nghiên cứu và phát hiện ra đó chính là phức chất tạo thành giữa Niacinamide và Ascorbic Acid (C5H4NCONH2=C6H8O6). Việc xác định khối lượng phân tử bằng phương pháp nghiệm lạnh cho thấy phức chất này có sự phân li khá mạnh trong dung dịch nước và dung dịch cồn.
      • Năm 1948, Wilhelm Wenner nghiên cứu về phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid, và nhận thấy phản ứng này không xảy ra tức thời mà cần thời gian, và thời gian để xuất hiện ra màu vàng đặc trưng tuỳ thuộc vào nhiệt độ, dung môi, v.v… cho thấy rằng đây không phải là phản ứng tạo muối đơn thuần vì phản ứng tạo muối sẽ xảy ra ngay lập tức. Nghiên cứu sâu hơn về phản ứng của Niacinamide với L-ascorbic acid và D-isoascorbic acid, cũng như việc chỉ có L-ascorbic acid phản ứng với nicotinic acid tự do, còn D-isoascorbic acid không phản ứng với nicotinic acid, tác giả cho rằng dùng phản ứng tạo muối để lý giải là chưa đầy đủ. Từ đó, ông đề xuất tên gọi của chất tạo thành của phản ứng Niacinamide với Ascorbic Acid là “phức chất nicotinamide-L-ascorbic-acid
      • Năm 1963, nghiên cứu của David E. Guttman và Dana Brooke bằng các phương pháp quang phổ đã xác định phản ứng tạo phức Niacinamide Ascorbate là phản ứng thuận nghịch, và mức độ phân ly của phức này khá cao do đỉnh hấp thu của quang phổ không đủ sắc nhọn, cũng như xác định được pH tối ưu cho sự hình thành phức chất Niacinamide Ascorbate là ở khoảng 3.8, với hằng số tạo phức phụ thuộc vào nhiệt độ và sự thay đổi enthalpy là khoảng 1500 cal. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, pH sinh lý không thuận lợi cho phản ứng tạo phức Niacinamide Ascorbate này.
    • Từ mấy thông tin trên, tụi mình có thể rút ra được một số điều như sau:
      • Màu vàng tạo thành khi phối hợp Ascorbic Acid với Niacinamide là màu của phức chất Niacinamide Ascorbate, chứ không phải phản ứng oxy hoá làm mất tác dụng của Ascorbic Acid.
      • Phản ứng tạo thành phức chất này là phản ứng thuận nghịch, phức chất Niacinamide Ascorbate có thể phân ly ra thành Niacinamide và Ascorbic Acid trong dung dịch. Chưa biết phức chất Niacinamide Ascorbate có tác dụng trên da thế nào, nhưng chắc chắn 1 điều rằng lúc nào trong dung dịch cũng có Niacinamide và Ascorbic Acid tự do, nên sẽ không có chuyện phản ứng giữa Niacinamide và Ascorbic Acid làm mất hoàn toàn tác dụng của nhau.
    • Vậy vấn đề chúng ta cần xét kĩ lúc này, chính là phức chất Niacinamide Ascorbate có tác dụng trên da hay không, và nếu có tác dụng thì sẽ yếu hơn, mạnh hơn hay bằng với Niacinamide và Ascorbic Acid riêng lẻ?
      • Có một số bài viết, cũng như video clip cho rằng phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng, do có nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng phức chất Niacinamide Ascorbate làm giảm sản sinh melanin sau khi tiếp xúc với tia UV. Tiến cảm thấy chưa thuyết phục nên đã tìm đọc nghiên cứu đó, và thấy  số vấn đề.
      • Đây là  nghiên cứu được đăng tải trên Journal of the American Academy of Dermatology, Volume 60, Issue 3, Supplement 1, trang AB78, xuất bản ngày 01-03-2009. Tiến chụp toàn bộ những gì được đăng tải cho mọi người tham khảo và sẽ phân tích về nghiên cứu này.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
      • Nghiên cứu này không có vấn đề gì về cách thực hiện cũng như kết luận của họ cả. Tuy nhiên, những bài viết và video clip dựa vào nghiên cứu này để khuyên mọi người “đừng lo lắng khi kết hợp Ascorbic Acid với Niacinamide vì phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có hoạt tính” thì lại không chính xác. Tại sao khuyên như vậy lại không chính xác?
        • Thứ nhất, nghiên cứu chỉ kết luận là những mô da có sử dụng Niacinamide Ascorbate rồi đem chiếu tia mặt trời mô phỏng thì thấy có sự giảm tạo tua gai tế bào sắc tố và không có sự chuyển giao melanin. Nghiên cứu hoàn toàn không nói đó là tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate, vì như đã chứng minh bên trên, Niacinamide Ascorbate sẽ luôn phân ly tạo ra Niacinamide và Ascorbic Acid tự do. Vậy tác dụng đó là của phức chất Niacinamide Ascorbate hay của Niacinamide tự do và Ascorbic Acid tự do? Điều gì chứng minh được là phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng sinh học? Và thí dụ như phức chất Niacinamide Ascorbate vẫn có tác dụng sinh học đi, thì tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate có ngang bằng với tác dụng của Ascorbic Acid tự do và Niacinamide tự do hay không? hay yếu hơn? hay mạnh hơn? Chưa có dữ liệu gì cả.
        • Rồi, giờ cứ giả dụ là cái tác dụng được để cập trong nghiên cứu này là tác dụng của phức chất Niacinamide Ascorbate đó luôn đi, thì cũng chỉ là 2 tác dụng “giảm tạo tua gai” và”ức chế vận chuyển melanin”. Vậy còn vô số tác dụng có lợi khác của Ascorbic Acid như chống lão hoá quang hoá, chống ức chế miễn dịch do UV, chống ung thư quang hoá, chống lão hoá bằng việc kích thích sản sinh collagen, tái sản xuất vitamin E, giảm sản sinh sắc tố do ức chế tyrosinase, v.v… và vô số tác dụng có lợi khác của Niacinamide như cân bằng dầu nhờn, tăng sinh collagen, củng cố hàng rào biểu bì, tăng sinh ceramide, v.v… thì sao? Nghiên cứu không có đề cập tới.
        • Nghiên cứu này không sai. Nhưng nếu dựa vào nghiên cứu này để kết luận tác dụng của Niacinamide và Ascorbic Acid vẫn được bảo toàn sau khi tạo phức Niacinamide Ascorbate là chưa đủ căn cứ.
  4. TÁC DỤNG BẤT LỢI CHO LÀN DA

    • NĂM 2012, tác giả I. Ahmad và cộng sự đã nhận thấy đỉnh hấp thu của Niacinamide là 261 nm, rất gần với đỉnh hấp thu của Ascorbic Acid là 265nm nên có khả năng chuyển năng lượng ở trạng thái kích thích, dẫn tới sự phân huỷ của Ascorbic Acid tạo thành hydrogen peroxyde (chất này gây độc tế bào da, gây lão hoá da). Và đây là cơ chế mà Ahmad để xuất:Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?
    • Mặc dù đây chỉ là cơ chế đề xuất, nhưng đây là đề xuất có căn cứ khi Ahmad và cộng sự nghiên cứu phổ hấp thu UV của Niacinamide và Ascorbic Acid, cũng như nghiên cứu về động học phản ứng của quá trình quang phân huỷ Ascorbic Acid khi có mặt NA. Nên cũng đáng để chúng ta quan tâm và cân nhắc.

THẢO LUẬN THÊM,

  • Trong các bài viết cũng như video clip nói về phức chất Niacinamide Ascorbate mà Tiến đã xem qua, thì các bạn ấy cũng có lập luận là càng vào sâu trong da, pH càng cao và gần 7 thì phức Niacinamide Ascorbate sẽ bị phân ly ra nhiều hơn. Tiến đồng ý với quan điểm này về pH và sự phân ly. Nhưng mình chưa có căn cứ để khẳng định được là phức chất Niacinamide Ascorbate này sẽ vào được bao sâu, và liệu rằng ở pH sau khi phối hợp sản phẩm Ascorbic Acid với sản phẩm Niacinamide thì có phải là pH tốt để Niacinamide Ascorbate thấm vào da? chúng ta chưa có dữ liệu.
  • Cũng trong các bài viết và video đó, các bạn ấy có lập luận rằng khi càng vào sâu trong da, nồng độ Ascorbic Acid và Niacinamide tự do càng thấp, sẽ khiến cho cân bằng dịch chuyển về phía phân ly tạo ra nhiều Ascorbic Acid và Niacinamide tự do hơn. Tiến thấy điều này chưa thuyết phục, vì muốn cân bằng dịch chuyển về phía tạo ra thêm Ascorbic Acid và Niacinamide thì nồng độ phức chất Niacinamide Ascorbate phải cao hơn nồng độ của Ascorbic Acid và Niacinamide tự do, nghĩa là phức chất Niacinamide Ascorbate phải có khả năng thấm nhanh hơn và sâu hơn Ascorbic Acid và Niacinamide tự do thì sự chênh lệch nồng độ đó mới xảy ra được. Nhưng dựa vào đâu mà mình có thể khẳng định là phức chất Niacinamide Ascorbate có khả năng thấm nhanh hơn và sâu hơn???
  • Các bạn còn bảo rằng, có nghiên cứu chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate giúp vitamin C chống lại sự oxy hoá của chính bản thân nó. Đó là nghiên cứu được thực hiện bởi HSU HC, CHEN CY đăng trên tạp chí Dược học Đài Loan năm 1978. Tuy nhiên, vào tháng 03 năm 1985, trên tạp chí của trường đại học Y Đài Bắc, số 14, đã có nghiên cứu chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate bị phân huỷ nhanh hơn L-ascorbic acid đơn lẻ trong dung dịch. Tiến chụp lại trang sách đó cho mọi người tham khảo (bên dưới). Vậy liệu rằng 2 nghiên cứu này có mâu thuẫn không? Nếu suy nghĩ kĩ thì không. Vì nghiên cứu năm 1978 của Đài Loan chứng minh phức chất Niacinamide Ascorbate chống lại sự oxy hoá của gốc Ascorbic Acid trong phức chất, chứ không chống lại sự oxy hoá của Ascorbic Acid tự do trong dung dịch. Lúc này, với sự có mặt của Niacinamide tự do, Ascorbic Acid tự do sẽ bị phân huỷ nhanh hơn, và mất đi (Tiến đã chứng minh ở mục 2), sẽ khiến cho cân bằng dịch chuyển, phức chất Niacinamide Ascorbate sẽ bị thuỷ phân tạo ra Niacinamide và Ascorbic Acid tự do để bù lại lượng đã mất. Và cứ như thế, khi Ascorbic Acid tự do bị Niacinamide làm cho phân huỷ nhanh, thì phức Niacinamide Ascorbate cũng bị phân ly ra và mất tác dụng bảo vệ đối với gốc Ascorbic Acid.Tại sao KHÔNG NÊN kết hợp VITAMIN C (Ascorbic Acid) với NIACINAMIDE?

TÓM LẠI VÀ KẾT LUẬN

  • Việc sử dụng phối hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và NA:
    • Có khả năng làm giảm sự thấm của Ascorbic Acid
    • Làm tăng tốc độ phân huỷ của Ascorbic Acid
    • Không đủ dữ liệu để chứng minh là Ascorbic Acid và Niacinamide vẫn đảm bảo hoạt tính và hoạt lực
    • Có nguy cơ tạo ra chất có hại gây lão hoá da.
  • Hầu hết tất cả những nghiên cứu bên trên đều là các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và xảy ra trong các dụng cụ thí nghiệm, chứ không phải nghiên cứu trên con người. Tất nhiên, các phản ứng hoá học xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm trên làn da con người sẽ còn chịu nhiều yếu tố tác động như các men chuyển hoá trên da; hệ vi sinh trên da; tình trạng sinh lý và sinh lý bệnh của làn da; các nghiên cứu chỉ nghiên cứu về sự tạo phức và phân ly trong môi trường nước và cồn, nhưng thực tế trong mỹ phẩm còn có các dung môi khác như propylene glycol, butylene glycol, glycerin, pentylene glycol, v.v… ; sự hiện diện và cường độ của tia UV trong nhà cũng không giống như điều kiện thí nghiệm; chưa kể tới việc Ascorbic Acid hoặc Niacinamide có thể tạo 1 phức hoặc 1 muối nào đó bền hơn với 1 chất khác trong hỗn hợp nên sẽ không thể tương tác với nhau, ; v.v… Có rất rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.
  • TUY NHIÊN, cho đến thời điểm hiện tại, Tiến vẫn giữ quan điểm là KHÔNG NÊN phối hợp sản phẩm chứa Ascorbic Acid và sản phẩm chứa Niacinamide lên cùng 1 lần skincare, cho tới khi nào có nghiên cứu thực hiện trực tiếp trên da người chứng minh những điều ngược lại với những gì đã nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đã tốn tiền và tốn thời gian skincare, tại sao phải chấp nhận rủi ro kết hợp khi mà sự kết hợp đó chưa được chứng minh là an toàn và lợi ích??? Tất nhiên, Tiến chỉ đóng vai trò là người cung cấp thông tin, còn quyết định như thế nào là hoàn toàn ở các bạn.

Chúc cả nhà mình luôn xinh đẹp. ^^

BÌNH LUẬN
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.