Th7 05/21 by duocsitien

Nicotinamidase có trên da người hay không?

Liên quan đến việc thuỷ phân của niacinamide thành nicotinic acid, những ngày qua đã có nhiều tranh cãi vì đã có thí nghiệm chứng minh “Trong cùng điều kiện thí nghiệm, đun nóng ở 89.4 độ C, thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 4.5 – 6.0 là 1000 ngày, trong khi thời gian bán huỷ của Niacinamide ở pH = 2.03 chỉ còn khoảng 75 giờ và ở pH kiềm thuỷ phân bằng NaOH 0.1N thì chỉ còn chưa tới 30 phút.” (theo Tạp chí Khoa học Dược, Journal of Pharmaceutical Sciences, Volume 51, Issue 7, trang 655 – 661). Vậy liệu có chút cơ hội hay khả năng nào để phản ứng thuỷ phân này xảy ra trên da người khi sử dụng các mỹ phẩm skincare hay không?

Như ở bài viết đầu tiên Tiến đã có phân tích và chứng minh, các phản ứng hoá học xảy ra trên/trong cơ thể người có thể không cần điều kiện khắc nghiệt như phản ứng trong ống nghiệm. Và nếu xét cụ thể ở trên làn da thì điều này vẫn đúng vì làn da có chức năng chuyển hoá chất bôi ngoài, nhờ vào hệ vi sinh trên da và hệ men chuyển hoá.

Trong bài viết trước, Tiến đã phân tích khá rõ chức năng chuyển hoá của da thông qua hệ men chuyển hoá (enzyme), nhưng có lẽ vẫn còn nhiều bạn thắc mắc tại sao Tiến lại đưa ví dụ về thí nghiệm chuyển hoá arbutin trên 2 loại vi khuẩn là Staphylococcus epidermis (S. epidermis) và Staphylococcus aureus (S. aureus), nó có liên quan gì đến chuyển hoá niacinamide thành nicotinic acid mà đưa vào bài viết như vậy? Chút nữa Tiến cũng sẽ làm rõ điều này nhé.

Quay trở lại với chủ đề chính, men nicotinamidase có trên da người hay không?

  • Nicotinamidase là men thuỷ phân đặc hiệu niacinamide thành nicotinic acid.
  • Lướt 1 vòng các diễn đàn trong những ngày qua, Tiến thấy các bạn đam mê skincare có nói rằng men nicotinamidase  không có trong cơ thể người, mà chỉ mới được tìm thấy ở các loài vi khuẩn, vi nấm. Điều này không sai. Nếu phân tích cụ thể trên bối cảnh là làn da, thì cho tới hiện tại chưa có chứng cứ hay bài viết khoa học nào khẳng định là làn da có thể tạo ra nicotinamidase cả. Nhưng chúng ta đừng quên, trên da là cả 1 hệ vi sinh, và các vi sinh này có nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase. Và đây cũng chính là lý do tại sao bài viết đầu tiên Tiến lại nhắc đến chức năng chuyển hoá của da thông qua hệ vi sinh vật và đưa ra thí nghiệm về S. epidermis và S. aureus để làm ví dụ.

Vậy việc của Tiến cần làm tiếp theo trong bài viết này chính là chứng minh (1) S. epidermis và S. aureus có hiện diện trên da người, và (2) S. epidermis và S. aureus có men nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase.

(1) Chứng minh S. epidermis và S. aureus có hiện diện trên da người.

  • Theo Tạp chí Da liễu Thẩm Mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology) số 7, xuất bản năm 2008 bởi Wiley Periodicals Inc., trang 189, thì Staphylococcus epidermis và Staphylococcus aureus thường trú phổ biến trên da.
  • Theo quyển sách Vi sinh Y học (Medical Microbiology, 4th edition), chương 6: Normal Flora, của tác giả Charles Patrick Davis, trường đại học Texas (University of Texas), có liệt kê S. epidermis và S. aureus trong hệ vi sinh bình thường của da (normal skin flora)

 

(2) Chứng minh S. epidermis và S. aureus có men nicotinamidase hoặc có hoạt tính nicotinamidase.

  • Trong một bài báo được xuất bản bởi Hiệp hội vi sinh Hoa Kỳ (American Society of Microbiology) vào tháng 08 năm 2020, nicotinamidase là 1 trong 63  loại protein được liệt kê khi phân tích bộ gen của Staphylococcus aureus chủng đột biến và chủng tự nhiên. (Cái bảng liệt kê rất dài nên Tiến chỉ chụp tới đoạn có nicotinamidase thôi nhé.)
  • Trong bài bảo vệ luận án tiến sĩ của Xizhang Zhao năm 2017 ở trường đại học Liverpool (University of Liverpool), khi phân tích bộ gene của Staphyloccocus epidermis cũng phát hiện một protein giống nicotinamidase (nicotinamidase-like protein) (bảng cũng rất rất dài nên Tiến chỉ chụp đoạn có protein này)
  • S. epirdermis có protein giống với nicotinamidase vậy liệu rằng có có tác dụng của nicotinamidase hay không? Hai tác giả Hughes và Williamsom của trường đại học Sheffield đã tiến hành thí nghiệm thuỷ phân niacinamide thành nicotinic acid với các chủng vi khuẩn khác nhau được nuôi trong khoảng 16 đến 24 giờ trong môi trường phù hợp, sau đó thu thập, rửa và treo trong dung dịch nước muối để thu 5 – 20 mg khối lượng khô /ml. Kết quả được đo bằng lượng micromol NH3 sinh ra / mg khối lượng khô / giờ (vì phản ứng thuỷ phân niacinamide cho ra sản phẩm là nicotinic acid và NH3). Kết quả tốc độ tối đa và tối thiểu được đo trên ít nhất 3 lô khác nhau. Mọi người nhìn vào bảng kết quả sẽ thấy Staphylococcus albus có tốc độ thuỷ phân niacinamide khá cao so với các chủng khác trong bảng (Staphylococcus albus chính là tên gọi khác của Staphylococcus epidermis).
  • Ở đây, Tiến sẽ đưa tài liệu để chứng minh Staphylococcus albus là tên gọi khác của Staphylococcus epidermis. Theo tạp chí GMS Hygiene and Infection Control (2014), số 9(3), có đề cập gọi của Staphylococcus epidermis qua các mốc thời gian khác nhau. Tiến copy và paste nguyên văn ở đây cho mọi người tham khảo vì trong bài báo nó nằm 2 cột khác nhau nên khó chụp.

Rosenbach in 1884 named the Cocci which produced white colonies on blood agar plates as Staphylococcus albus, thereafter in 1891 Staphylococcus epidermidis albus, in 1908 Albococcus epidermidis and Staphylococcus epidermidis in 1916 were used by Welch et al. [2].

 

Vậy chốt lại sau 03 bài viết, phản ứng thuỷ phân niacinamide thành nicotinic acid vẫn có khả năng xảy ra trên da người, dù rằng tỉ lệ này có thể không cao và không phải lúc nào cũng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng trên làn da chúng ta khi sử dụng các sản phẩm skincare, nhưng việc lưu tâm và cẩn thận khi sử dụng phối hợp các sản phẩm chứa niacinamide nồng độ cao với các sản phẩm có pH thấp là cần thiết, đặc biệt là ở những người mới phối hợp lần đầu, hoặc trên da đang có tổn thương. Tiến copy và paste lại lời khuyên mà Tiến đã viết ở bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết này.

– Vậy lời khuyên của Tiến nếu các bạn muốn kết hợp sản phẩm chứa BHA và sản phẩm chứa Nia thì phải cẩn trọng như nào?

  • Dùng sản phẩm BHA và sản phẩm Nia của cùng 1 brand và theo đúng khuyến cáo của brand đó.
  • Nếu dùng 2 sản phẩm khác brand thì cần chú ý độ pH của sản phẩm chứa BHA: nếu pH của sản phẩm BHA thấp hơn 4 thì nên chờ 30 phút cho BHA tự trung hoà rồi hả bôi thêm sản phẩm chứa Nia lên và nên bắt đầu với nồng độ Nia thấp; nếu pH của sản phẩm BHA từ 4 trở lên, có thể sử dụng sản phẩm Nia liền ngay sau đó.
  • 2 lời khuyên trên chỉ dành cho làn da khoẻ mạnh. Đối với các làn da mỏng, yếu, sức bền thành mạch kém, có vết thương, v.v… cần được thăm khám và tư vấn routine sử dụng bởi người có chuyên môn.

Mục đích của bài viết này không nhằm làm các bạn thêm hoang mang trong việc sử dụng BHA và niacinamide, mà là cung cấp thêm 1 góc nhìn và hướng dẫn các bạn cách sử dụng kết hợp 2 thành phần này sao cho hiệu quả và an toàn nhất. Cẩn tắc vô áy náy mà, đặc biệt là với sắc đẹp và sức khoẻ của mình, đúng không?  ^^

CHÚC CẢ NHÀ MÌNH LUÔN KHOẺ VÀ ĐẸP AN TOÀN.

 

BÌNH LUẬN
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
  • User name
    Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Integer posuere erat a ante. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam.
Đăng ký nhận bản tin từ
DƯỢC SĨ TIẾN
Nhập E-mail của bạn để theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất từ Dược sĩ Tiến.